Ngành Giáo dục được trao quyền tuyển dụng: Thêm chủ động nhưng cũng nhiều áp lực

Việc trao quyền tự chủ trong tuyển dụng, điều động giáo viên cho ngành Giáo dục được đánh giá là phù hợp với xu hướng đổi mới và phân cấp quản lý hiện nay. Tuy nhiên, chính sách này cũng đặt ra nhiều lo ngại về tính minh bạch, công bằng và năng lực quản trị nhân sự ở cấp cơ sở. Các chuyên gia cho rằng, để đề xuất này thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, cần có khung pháp lý rõ ràng, tiêu chí tuyển dụng minh bạch và sự đầu tư nghiêm túc cho đội ngũ làm công tác tuyển dụng tại địa phương.

Thách thức nào khi trao quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục?

Thách thức nào khi trao quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục?

Trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nội dung được quan tâm đặc biệt là việc giao quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ngành Giáo dục. Quy định này càng trở nên cấp thiết khi chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình hai cấp. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục cũng đặt ra không ít thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc trao quyền tự chủ tuyển dụng cần làm rõ các quan ngại như: Tính minh bạch, sự bất bình đẳng trong tuyển dụng theo vùng, miền hay thách thức lớn nữa về tuyển dụng và quản lý nhân sự của ngành Giáo dục.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Cá nhân tôi rất ủng hộ quan điểm chuyển quyền chủ động hơn cho ngành Giáo dục được tuyển người. Vì cơ bản, ngành Giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm trước xã hội liên quan đến chất lượng giáo dục”.

“Sẽ có nhiều quan ngại, thứ nhất làm thế nào để hệ thống tuyển dụng này minh bạch và chất lượng. Thứ 2 là, phải tránh được sự bất bình đẳng giữa các địa phương. Vì thành phố lớn sẽ rất dễ tuyển dụng, đối với những địa phương khó khăn thì việc tuyển dụng cần phải có cơ chế hỗ trợ tốt hơn hoặc đặc thù hơn thì mới có thể thu hút và không tạo ra khoảng cách về chất lượng giữa các vùng miền”, TS Nam phân tích thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục chia sẻ việc quản lý nhân sự lâu nay không hề đơn giản.

“Trước hết, cần phải biết đưa ra những tiêu chí tuyển dụng như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, những người làm giáo dục cũng sẽ bị hạn chế về quy chế tuyển dụng, giấy tờ hành chính…những việc này chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục”, TS Hương cho biết thêm.

Đây được coi là một trong những đề xuất để phát triển ngành Giáo dục.

Đây được coi là một trong những đề xuất để phát triển ngành Giáo dục.

Trước những lo ngại đó, chuyên gia đề xuất cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, quy định cụ thể tiêu chí tuyển dụng và trách nhiệm của từng cấp quản lý. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyển dụng tại địa phương. Vai trò của công nghệ cũng giúp minh bạch hóa quy trình và tạo sự công bằng trong tuyển chọn giáo viên.

“Tôi nghĩ bất kể ngành, nghề nào cũng sẽ xuất hiện hiện tượng mập mờ. Do vậy, theo tôi, ở đây chỉ cần quy định một cách nghiêm túc và có chế tài xử phạt, nếu như xuất hiện những hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần thông báo tuyển dụng một cách công khai, yêu cầu rõ ràng về mặt nhân sự để tất cả mọi người ở mọi nơi có thể nhận thông báo”, TS Vũ Thu Hương đề xuất.

Đề xuất trao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục được đánh giá là bước tiến phù hợp với tinh thần đổi mới và phân cấp quản lý. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có những nghiên cứu cụ thể, toàn diện nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức và thiết kế giải pháp khả thi. Việc đảm bảo minh bạch, công bằng và nâng cao năng lực quản trị tại cơ sở sẽ là chìa khóa để đề xuất này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và bền vững.

Duy Minh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/nganh-giao-duc-duoc-trao-quyen-tuyen-dung-them-chu-dong-nhung-cung-nhieu-ap-luc-178106.html