Hà Nội sẽ sớm ban hành Nghị quyết hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xanh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ sớm ban hành Nghị quyết hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện xanh.

Đoàn công tác của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiệp
Chiều 28-7, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 ngày 21-6-2024 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trườngkể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn công tác số 1 đã làm việc với thành phố Hà Nội.
Tham gia đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Làm việc với đoàn về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95-100%
Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan của thành phố tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, nổi bật là tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận (cũ) đạt 100%, tại các huyện (cũ) đạt 95-100%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Phạm Thắng
Hà Nội đã vận hành 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý nước thải là 414.300 m3/ngày/đêm, góp phần nâng cao tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là 40,8%.
Dự kiến năm 2025, chỉ tiêu tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ 50-55% với giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày/đêm.
Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 26-3-2024 về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Về quản lý môi trường không khí, ngày 2-3-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó đã đề xuất các giải pháp tổng thể quản lý chất lượng không khí, gồm 4 nhóm, 14 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc giám sát. Ảnh: Đình Hiệp
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô còn chậm. Việc triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động còn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong khi đó, việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch; từng bước làm sống lại các sông: Tô Lịch, Tích, Nhuệ, Đáy, các sông nội đô còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường còn chưa đầy đủ
Tại cuộc giám sát, nhiều kiến nghị của thành phố liên quan đến quản lý môi trường không khí; quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đã được Đoàn giám sát ghi nhận, các bộ, ngành báo cáo, làm rõ trên tinh thần tháo gỡ vướng mắc thực tế, phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu quản lý thống nhất.

Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu tại cuộc giám sát. Ảnh: Đình Hiệp
Phát biểu tại cuộc giám sát, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, thời gian gần đây, Hà Nội thường xuyên được cảnh báo nằm trong nhóm các đô thị ô nhiễm không khí cao nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí nhiều ngày vượt mức nguy hiểm. Nguồn ô nhiễm chính là khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp và còn có tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp ở ngoại thành.
Thành phố đã triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, khung pháp lý chưa quy định rõ về cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh; chưa có kế hoạch, hướng dẫn cảnh báo và ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí; chưa có quy định cụ thể kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy lưu hành trên địa bàn thành phố; công tác triển khai lắp đặt hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường không khí chưa đạt tiến độ đề ra.
Về một số khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật theo kiến nghị của địa phương, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành.
Đồng thời, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí thải từ phương tiện ô tô đang lưu hành; chủ trì xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và lộ trình áp dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp
Phát biểu tại cuộc giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo của thành phố. Tài liệu này sau khi hoàn chỉnh sẽ được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ mười sắp tới.
Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tiếp thu toàn bộ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội; đồng thời, khẳng định đây là cơ hội để thành phố tiếp tục kiểm soát vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí ngày càng tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại cuộc giám sát. Ảnh: Đình Hiệp
Phó Chủ tịch UBND thành phố làm rõ các giải pháp thu gom, xử lý và vận chuyển rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó, thành phố ưu tiên việc cơ giới hóa hoạt động thu gom rác thải; tập trung tháo gỡ các cơ chế chính sách để xã hội hóa trong lĩnh vực này. Đồng thời, thành phố chú trọng thực hiện các tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, thơm” khi phát triển các khu công nghiệp.
Liên quan đến giải pháp việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND thành phố sớm trình HĐND thành phố ban hành các nghị quyết để hỗ trợ người dân chuyển đổi xanh.
Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư quy định dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường theo khoản 6 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành và áp dụng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và đang lưu hành; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, sử dụng điện, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long phát biểu tại cuộc giám sát. Ảnh: Đình Hiệp
Làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã có đề án chuyển đổi phương tiện giao thông xanh đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phấn đấu đến năm 2030, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi 100%. Về taxi, trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi xanh được 47,3% phương tiện xe điện, xe sạch, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, thành phố xác định đây là nhiệm vụ rất cấp bách nên Sở đang tham mưu xây dựng 2 dự thảo Nghị quyết để trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua trong kỳ họp tháng 9-2025.
“Liên quan đến thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, chúng tôi sẽ xây dựng nghị quyết bao gồm chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho người dân, bằng tiền, phí, lệ phí, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất lắp ráp phương tiện xe xanh...”, ông Đào Việt Long thông tin.
Tạo thói quen bảo vệ môi trường của mỗi người dân
Phát biểu kết luận cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, nghiêm túc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận cuộc giám sát. Ảnh: Đình Hiệp
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của UBND thành phố cũng như dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg. Kế hoạch này bao gồm các biện pháp cụ thể như hạn chế xe máy, xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong khu vực nội đô và tăng cường quản lý, xử lý các nguồn gây ô nhiễm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần phải thay đổi từ hành vi, thói quen bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Trong đó, các địa phương cũng như mỗi người dân cần chú trọng tư duy phân loại rác tại nguồn để giảm rác thải hằng ngày.
Theo đồng chí Lê Minh Hoan, để bảo vệ môi trường hiệu quả, Hà Nội cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, kết hợp giữa quy hoạch phát triển đô thị bền vững với nâng cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý môi trường. Trong đó, thành phố cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị về vai trò trung tâm của môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị thành phố lưu ý đến các vấn đề môi trường đặc thù như: Kiểm soát ô nhiễm không khí - vốn đang là điểm nóng tại Thủ đô; sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông nội đô và sông Nhuệ - Đáy; đẩy nhanh tiến độ đầu tư trạm xử lý nước thải cho các cụm công nghiệp và làng nghề.
Đồng thời, triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có lộ trình và giải pháp phù hợp thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg. Trường hợp có những khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền thành phố cần báo cáo các cơ quan có liên quan để giải quyết kịp thời.
“Thành phố cần đi đầu trong thí điểm những cơ chế, chính sách mới theo Luật Thủ đô, đặc biệt là cơ chế phát triển vùng phát thải thấp, cơ chế tài chính xanh, đấu giá quyền phát thải và chi trả dịch vụ môi trường”, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, thành phố trước mắt tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp để chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 tới đây.
Sáng cùng ngày, Đoàn đã tiến hành khảo sát, làm việc tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn; khảo sát thực tế tại Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư và khảo sát tại Trạm xử lý nước thải và làm việc tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park.