Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình nới lỏng như thế nào sau ngày 15/9?

Hiện nay Hà Nội đang gấp rút xây dựng lộ trình nới lỏng trong thời gian tới. Theo CDC Hà Nội, căn cứ vào tình hình thực tế từ các chiến dịch xét nghiệm diện rộng, các ý kiến chuyên gia phân tích đánh giá tình hình dịch và tỷ lệ phủ vắc xin, sau đó sẽ trình Thành phố xem xét.

Sáng 14/9, trao đổi với phóng viên Nhà báo Công luận, về việc xây dựng lộ trình nới lỏng một số hoạt động trong thời gian tới, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay: Hiện CDC Hà Nội cùng với Sở Y tế đang xây dựng phương án, trong chiều nay (14/9) Sở Y tế sẽ báo Thành phố.

"Chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế từ các chiến dịch xét nghiệm diện rộng, các ý kiến chuyên gia phân tích đánh giá tình hình dịch, tỷ lệ phủ vắc xin để xây dựng đánh giá nguy cơ, sau đó Thành phố sẽ đưa ra quyết định", ông Việt nói.

Xét nghiệm diện rộng và tỷ lệ phủ vắc xin sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để Hà Nội xem xét nới lỏng hoạt động. Ảnh: Quang Hùng

Bài liên quan

Bí thư Hà Nội: Không vì được tiêm vắc xin rồi mà chủ quan, coi thường phòng dịch

Hà Nội yêu cầu rà soát, kiểm tra các thiết bị điện, điện tử phục vụ dạy và học trực tuyến

Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ

Trước đó, ngày 13/9, tại phiên họp trực tuyến của Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. kết luận về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Hà Minh Hải, yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn sau ngày 15/9 và ngày 21/9.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo đối với việc phong tỏa, cách ly các trường hợp F0, các đơn vị phải triển khai các phương án với phương châm nhanh nhất, gọn nhất, khoanh đúng và thu hẹp tối đa điểm phong tỏa, cách ly để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, phải triển khai khẩn trương hơn nữa việc xét nghiệm diện rộng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế phối hợp với các quận huyện rà soát lại cơ sở dữ liệu; điều phối và phân bổ vắc xin phù hợp, hoàn thành nhanh nhất kế hoạch xét nghiệm và tiêm chủng đã được đặt ra; thống nhất áp dụng toàn bộ cơ chế chính sách cho các lực lượng hỗ trợ của tỉnh bạn giống như cho các lực lượng phòng, chống dịch của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố đã xây dựng chính sách cùng với các chính sách của Trung ương để kịp thời hỗ trợ người dân. Các quận huyện rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. “Người dân đánh giá cao việc TP xây dựng và triển khai chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố (những cơ chế, chính sách đặc thù riêng của Hà Nội chưa có trong Nghị quyết 68 của Chính phủ) đã được xây dựng rất kịp thời, HĐND Thành phố đã thông qua và triển khai giám sát ngay, kết quả rất tốt”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng giao Sở KH-ĐT chủ trì với các sở, ngành liên quan để rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15/9.

Hiện nay, TP đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc đi lại của công nhân giữa các vùng và cụ thể việc tổ chức ăn ở cho công nhân ra sao để phòng dịch. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay những khúc mắc này, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải lưu ý các địa bàn chủ động rà soát, có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai tiêm vắc xin và xét nghiệm, không được để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại các điểm xét nghiệm và tiêm chủng…

Hà Nội nên lựa chọn những ưu tiên, có những lộ trình cho hoạt động mở cửa. Ảnh: Quang Hùng

Trước đó, trao đổi với Nhà báo và Công luận, GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV (ĐBQH), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Hà Nội nên lựa chọn những ưu tiên, có những lộ trình cho hoạt động mở cửa. Cụ thể là mở lại những hoạt động ngoài trời như sản xuất nông nghiệp, kể cả những vùng “nóng” về dịch thì cũng không nên đóng cửa, bởi những người làm trên cánh đồng khó có nguy cơ lây nhiễm.

Tiếp đến là những công trường xây dựng ngoài trời và những hoạt động sản xuất của cơ sở công nghiệp không tập trung đông người cùng 1 thời điểm. Các cơ sở sản xuất cũng có thể phân lô, phân vùng các khu vực sản xuất thành các nhóm nhỏ, khi đó, nếu phát hiện ra trường hợp lây nhiễm thì dừng nhóm đó chứ không phải dừng cả nhà máy, sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất mà vẫn đảm bảo kiểm soát dịch. “Như vậy, mở cửa ở đây là mở cửa có điều kiện, mở cửa có khả năng kiểm soát”, ông Cường nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, những hoạt động dịch vụ không có tập trung đông người, không gây ra tiếp xúc trong một không gian kín thì cũng không có khả năng, nguy cơ của lây nhiễm và những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này đã được tiêm chủng, định kỳ xét nghiệm sàng lọc thì có khả năng cho mở cửa trở lại.

“Ngoài những điểm có dịch phải phong tỏa chặt quay vùng gọn, những vùng khác phải thực hiện các biện pháp mở cửa an toàn. Chúng ta xác định sống chung với dịch, kể cả các huyện vùng xanh thì cũng chưa dám nói là không có dịch mà phải coi là chưa phát hiện ra, do đó phải duy trì các hoạt động sản xuất an toàn và có các biện pháp chủ động ứng phó khi có dịch”, ông Cường nhấn mạnh.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-se-xay-dung-lo-trinh-noi-long-nhu-the-nao-sau-ngay-15-9-post155929.html