Hà Nội siết chặt quản lý đất đai, phòng ngừa vi phạm giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày mai, 3-4, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý I-2025 với lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã nhằm triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có công tác quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính. Nhiệm vụ đòi hỏi các cấp, ngành vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vừa duy trì chặt chẽ công tác quản lý, phòng ngừa vi phạm.

Thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra nhiều vi phạm

Giữa tháng 3 vừa qua, Báo Hànôịmới có bài viết “Khoảng 10.000m2 đất quốc phòng, đất quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội bị lấn chiếm”, phản ánh thực trạng đổ đất lấn chiếm xây tường bao ngay trên khu đất nằm trong quy hoạch dự án Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc thôn 5, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Các cơ quan chức năng thành phố đã phải vào cuộc xử lý.

Chỉ cách đây ít ngày, báo chí xôn xao về vi phạm đất công làm sân Pickleball trên địa bàn phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Tình trạng vi phạm lấn chiếm đất cũng xảy ra ở khu đất nông nghiệp rộng 4,3ha thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh có văn bản chỉ đạo UBND quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý, đến nay, những vi phạm này đã và đang được tháo dỡ.

Đây chỉ là một số ví dụ cho thấy sự phức tạp của tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn Hà Nội. Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố Hà Nội là hơn 335.983ha, trong đó, đất nông nghiệp có 195.890ha; đất phi nông nghiệp chiếm 137.458ha và đất chưa sử dụng là hơn 2.635ha. Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình và cá nhân đạt 99,6%. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã hoàn thành đối với toàn bộ huyện, thị xã. Hằng năm, các kế hoạch sử dụng đất đều được thực hiện chặt chẽ, làm căn cứ cho công tác thu hồi, giao đất và cho thuê đất. Với địa bàn rộng cộng với giá trị địa tô và thương mại lớn, vi phạm đất đai trên địa bàn Hà Nội vốn đã “nóng”, tới đây được dự báo có thể còn “nóng” hơn.

Dự kiến, cả nước sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30-6 để đến ngày 1-7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Đồng thời, HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc các quận, huyện, thị xã sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-7.

Từ nay đến thời điểm đó là khoảng thời gian có thể coi là chuyển tiếp quan trọng, nhạy cảm, dễ xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, là thời cơ cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất. Việc chuyển giao hồ sơ, giấy tờ quản lý đất đai trong giai đoạn này cũng đặt ra nhiều khó khăn, phức tạp.

Khu đất quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất bị lấn chiếm. Ảnh: TH

Khu đất quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất bị lấn chiếm. Ảnh: TH

Hội nghị giao ban quý I-2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã tập trung bàn về “công tác quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính” có thể nói là đúng, trúng và cấp thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo thành phố.

Nhiều nhiệm vụ và vấn đề cấp bách cần thảo luận

Chỉ còn gần 3 tháng là đến mốc ngày 1-7, việc sắp xếp đơn vị hành chính trong khoảng thời gian này sẽ tác động tích cực và cũng đặt ra những khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Về mặt tích cực, việc này sẽ tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý đất đai; giảm tầng nấc hành chính trung gian; nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã; đẩy mạnh số hóa và hiện đại hóa quản lý đất đai; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng gây ra những khó khăn nhất định, như: Phát sinh công việc trong việc chuyển tiếp, bàn giao hồ sơ, tài liệu quản lý đất đai; năng lực cán bộ cấp xã chưa đáp ứng ngay được yêu cầu nhiệm vụ mới; việc thiếu cấp huyện gây khó khăn trong điều phối công việc, xử lý vi phạm và công tác thu hồi đất, tái định cư...

Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai có thể tăng cao do tâm lý lợi dụng thời điểm chuyển giao, các cơ quan chức năng chậm trễ, lơ là quản lý. Trước hội nghị này, Thành ủy và UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bảo đảm việc quản lý đất đai được thực hiện hiệu quả, không gián đoạn trong quá trình sáp nhập.

Tại Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 5-3-2025 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời gian các cơ quan trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đang tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật môi trường.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý đất đai, môi trường, trật tự xây dựng nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra thực tế, thiết lập cơ chế phản ánh, tiếp nhận thông tin từ nhân dân về các hành vi vi phạm.

“Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Công an thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đất đai và môi trường, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật", Công điện nêu rõ.

Đảng ủy UBND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, đầu tư công, quản lý đô thị, trật tự xây dựng và công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; trong đó, nhấn mạnh không để tình trạng lợi dụng thời điểm triển khai các kết luận của Trung ương về sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính để thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Đảng ủy UBND thành phố còn lưu ý các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; bảo đảm tiến độ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án đầu tư trên địa bàn. Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa vi phạm. Đơn cử, quận Hà Đông đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý, khắc phục các tồn tại, vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trên địa bàn... Tuy nhiên, làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi được thảo luận kỹ để làm rõ khâu yếu, đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả...

Liên quan đến quản lý đất đai tại Hà Nội, thời gian tới, không chỉ có vấn đề chống lấn chiếm, vi phạm pháp luật, mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác. Thực tế, việc quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố cơ bản bám sát các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Đến hết quý I-2025, thành phố đã thực hiện thu hồi đất với tổng diện tích gần 8.156ha, đạt khoảng 58% kế hoạch năm. Mặc dù, đây là tỷ lệ khá cao, song nhiệm vụ giải phóng mặt bằng từ nay đến cuối năm còn rất lớn và thách thức. Ngay trong quý I, HĐND thành phố đã quyết định bổ sung 14 dự án thu hồi đất vào kế hoạch năm 2025 với tổng diện tích 772,5ha. Đó là chưa kể Hà Nội đang tiếp tục giải phóng mặt bằng dứt điểm Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, chuẩn bị khởi công một số dự án cầu vượt sông Hồng quan trọng như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi... Nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai cũng đòi hỏi tiến độ rất khẩn trương.

Tất cả đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao đối với các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở để cùng thảo luận, thống nhất tư duy và hành động, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa nguồn lực đất đai phục vụ nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Minh Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-dat-dai-phong-ngua-vi-pham-giai-doan-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-697676.html