Hà Nội siết 'vòng kim cô' ngăn lạm thu đầu năm học mới

Trong năm học mới 2024-2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, học tập tại hơn 2.900 trường học các cấp.

Trong năm học mới, ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm học trước, tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh…

Ngăn lạm thu đầu năm học

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội hiện có trên 2.900 trường mầm non, phổ thông; tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh bước vào năm học mới với hơn 2,3 triệu em (Ảnh: Thanh Hoa).

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh bước vào năm học mới với hơn 2,3 triệu em (Ảnh: Thanh Hoa).

Trước khi bước vào năm học mới, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ngày 30/8, UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để thực hiện đúng các quy định về thu, chi tài chính và công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.

Đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh

Trong năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh. Trước thực tế số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000-60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn thành phố.

Hà Nội cơ bản đáp ứng trường học cho học sinh các cấp (Ảnh: Thanh Hoa).

Hà Nội cơ bản đáp ứng trường học cho học sinh các cấp (Ảnh: Thanh Hoa).

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội được xây mới, sửa chữa, cải tạo khang trang, hiện đại với trang thiết bị được đồng bộ, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025.

Với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024 -2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học.

Với sự chủ động chuẩn bị của các đơn vị, trường học, nhiều bất cập của kỳ tuyển sinh năm học trước đã được khắc phục, không còn hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh.

Ngành giáo dục Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Đồng thời, đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập.

Minh Thắng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-siet-vong-kim-co-ngan-lam-thu-dau-nam-hoc-moi-1102169.html