Vì sao khó tuyển bổ sung?

Kết thúc thời hạn xét tuyển đại học (ĐH) đợt 1 năm 2024, rất nhiều trường thông báo chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phản hồi từ các trường cho biết lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung rất ít - cho dù đây là cơ hội mở cho những thí sinh chọn con đường ĐH.

Đơn cử, như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung ĐH chính quy năm 2024 tại phân hiệu Quảng Ngãi với 205 chỉ tiêu cho 6 ngành. Nhà trường xét tuyển theo hai phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (17 điểm) và xét học bạ lớp 12 (19 điểm). Song thống kê đến cuối tuần qua, chỉ có khoảng 30 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung.

Tương tự, Học viện Hàng không Việt Nam thông báo 500 chi tiêu bổ sung cho 5 ngành, nhưng nhận được chưa tới 100 hồ sơ. Trường ĐH Lâm nghiệp (phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai) thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành với 200 chỉ tiêu, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50 thí sinh đăng ký, đạt khoảng 30%. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu tất cả các ngành đến hết ngày 15/9. Tuy nhiên, đến nay lượng hồ sơ nộp chỉ khoảng 30%. Cùng đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung khoảng 1.500 chỉ tiêu cho 63 ngành học theo 3 phương thức. TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Kết thúc xét tuyển bổ sung, nhà trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ. Đến nay, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

TS Lê Xuân Trường - Phó hiệu trưởng ĐH Mở TPHCM nhận định, nguồn tuyển bổ sung không còn nhiều. Với rất nhiều phương thức xét tuyển ĐH như hiện nay, các em có thể đã đỗ ở những nguyện vọng khác/trường/ngành học khác.

TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang chia sẻ, đến thời điểm này đã cạn nguồn tuyển. Thí sinh trúng tuyển nếu có mong muốn nhập học vào ngành, trường mình yêu thích thì cũng đã quyết định xong, các em không học vì bất kỳ lý do nào đó cũng không tiếp tục đăng ký. Nhà trường cũng ngưng không nhận thêm hồ sơ bổ sung nữa.

Trước thực tế cả nước khoảng 122 nghìn thí sinh thuộc diện đỗ, nhưng đã bỏ nhập học ĐH năm 2024, nhiều băn khoăn cũng đã được đặt ra. Lý giải điều này, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) cho rằng, học phí với tân sinh viên là rào cản lớn. Một sinh viên ở trường công lập trung bình mỗi tháng cần khoảng 10 triệu đồng cho mọi khoản. Nếu học trường tư, chi phí có thể lớn hơn rất nhiều. Trong khi cơ chế cho sinh viên vay vốn để học tập hiện nay còn nhiều bất cập. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội cho sinh viên hộ nghèo, cận nghèo, hoặc gặp khó khăn tài chính do các tình huống bất ngờ vay tiền đi học - tối đa 4 triệu đồng mỗi tháng. Mức này là chưa đủ.

Ghi nhận thực tế tuyển sinh năm 2024 ở nhiều địa phương như Hưng Yên, Nghệ An… có một bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT chủ động tham gia các khóa học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

Hệ thống các trường cao đẳng (CĐ) nghề với mức học phí cực kỳ ưu đãi, nhiều chương trình hấp dẫn thu hút sinh viên cũng là một ngã rẽ mà nhiều em lựa chọn.

Theo TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, nhiều phụ huynh, thí sinh đã nhận thức được việc chọn trường ĐH không định hướng dẫn đến vừa tốn kém, vừa có thể thất nghiệp do không có động lực học tập, kết quả kém. Ông Khánh ghi nhận nhiều em chọn CĐ vì chi phí thấp hơn, chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/tháng.

TS Lê Xuân Trường phân tích, hiện học sinh đang có nhiều hướng đi sau THPT để lựa chọn. Đặc biệt, trong bối cảnh học phí cao và có nhiều lựa chọn, nhiều thí sinh sẽ cân nhắc giữa việc chọn học ĐH, CĐ học nghề hay đi xuất khẩu lao động. “Nếu không đỗ những ngành triển vọng, dễ tìm việc làm, nhiều em đã chọn học CĐ hoặc đi làm ngay” - TS Trường lý giải.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-kho-tuyen-bo-sung-10290395.html