Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 685 ca tay chân miệng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng với nhiều nốt ban. (Ảnh: TTXVN)
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cùng với sởi, vào thời điểm hiện nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Hà Nội đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hàng năm. Hiện đã ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng.
Nếu như trong tháng 1 và tháng 2/2025, tại Hà Nội chỉ ghi nhận trung bình từ 10-30 ca mắc tay chân miệng/tuần thì đến cuối tháng 3/2025 đã tăng lên từ 100-180 ca/tuần. Trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 685 ca tay chân miệng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo, số ca mắc tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi cao điểm của bệnh tay chân miệng thường từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và thuộc diện tiêm chủng theo chiến dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và các cơ sở giáo dục mầm non có ca bệnh, ổ dịch; triển khai các biện pháp xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn theo quy định.
Ngay trong đầu tháng 4/2025, CDC Hà Nội đã tiến hành giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại một số địa bàn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch, tại Hội nghị giao ban ngày 3/4, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý, các đơn vị cần rà soát kỹ đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi, đảm bảo không bỏ sót trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi. Ngoài dịch sởi và sốt xuất huyết, các đơn vị cũng cần quan tâm đến các dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm… tăng cường công tác tham mưu với ủy ban nhân dân quận, huyện để chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng./.