Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết vẫn có thể tăng mạnh

Tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết đang lây lan nhanh, TP đang trong thời kì đỉnh dịch. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia, số ca mắc mới có thể còn tăng mạnh trong thời gian sắp tới. Các khuyến cáo liên quan đến phòng chống dịch cũng cần được tăng cường, trong đó đặc biệt quan trọng là các biện pháp của cá nhân, hộ gia đình...

Số ca tăng 2 tuần liên tiếp

Báo cáo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần thứ 45 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội mới đây cho thấy, trong 7 ngày qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.343 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

 Số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tại Hà Nội. Nguồn: CDC Hà Nội.

Số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tại Hà Nội. Nguồn: CDC Hà Nội.

Con số này tăng 2,3% so với tuần trước đó (1.312). Các bệnh nhân được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Một số địa phương có số ca mắc cao là Đống Đa (120), Thanh Oai (98), Phú Xuyên (95), Hoàng Mai (94).

Cộng dồn trong năm 2022, tại Hà Nội đã có tới 12.059 ca mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp trong số này không may tử vong. Đáng nói, số ca mắc sốt xuất huyết của TP đã tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2021. Các bệnh nhân năm nay xuất hiện tại toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

CDC Hà Nội cũng dự báo ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Chủ động phòng tránh ở từng hộ gia đình

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo quy luật hàng năm tại Hà Nội, tháng 11 là thời kỳ số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng mạnh và đạt đỉnh dịch. Trong thời điểm hiện tại, thời tiết nắng, nhiệt độ ấm tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

"Do đó, sự lây lan dịch bệnh vẫn tiếp diễn, số ca nhiễm vẫn có thể còn tăng mạnh trong thời gian tới cho đến khi bước vào thời điểm nhiều đợt không khí lạnh xuất hiện", chuyên gia cho hay.

Về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, chuyên gia nhấn mạnh, cần sự đồng bộ của các biện pháp cá nhân cũng như cộng đồng. Theo đó, các biện pháp ở quy mô cộng đồng cần tập trung là diệt muỗi trên diện rộng, theo khu dân cư.

Ngoài ra, các công trường xây dựng cũng là "tụ điểm" của muỗi, loăng quăng, bọ gậy,.. Vì vậy cũng cần quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp phun thuốc diệt muỗi thường xuyên ở các khu vực này.

"Trong nhà, mỗi gia đình cần chủ động trong việc áp dụng các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng... nhằm hạn chế tối đa nguồn lây bệnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng trẻ nhỏ và người già. Theo đó, muỗi tích cực hoạt động vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Thời điểm này cần tạo không gian an toàn cho trẻ", chuyên gia lưu ý.

Bên cạnh đó, khi có người trong gia đình xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp điều trị kịp thời.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần quan tâm đặc biệt đến các biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu và tránh tâm lý chủ quan đối với dịch. Các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết, mỗi cá nhân, gia đình hoàn toàn có thể chủ động thực hiện.

Hà Nội tăng cường kiểm soát dịch

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội là đơn vị thường trực, theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn; tham mưu Sở Y tế để báo cáo UBND TP Hà Nội các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố khoa học, kịp thời, phù hợp.

Đối với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, phối hợp với phòng y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch.

Bảo đảm các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có bệnh nhân mắc, có chỉ số muỗi và bọ gậy ở mức cao...

Chỉ đạo các trạm y tế tham mưu cho UBND xã, phường kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy; phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; đặc biệt, vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết…

Đối với các bệnh viện, sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-so-ca-sot-xuat-huyet-van-co-the-tang-manh-5702308.html