Hà Nội sớm hoàn thiện mô hình quản lý trật tự xây dựng
Kể từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2023, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện thay vì trực thuộc Sở Xây dựng như trước đây. Hiện đã sắp hết thời gian thí điểm nên sớm hoàn thiện mô hình quản lý trật tự xây dựng sao cho hiệu quả.
Lực lượng nòng cốt phát hiện và xử lý vi phạm
Với một đô thị lớn như Hà Nội, giá trị đất đai đắt đỏ, “tấc đất là tấc vàng” nên việc cơi nới trong xây dựng các khu nhà ở là một nhu cầu thường trực của nhiều người dân. Đội quản lý trật tự xây dựng chính là lực lượng nòng cốt, “tai mắt” của chính quyền để kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm trong xây dựng tại Thủ đô.
Theo quy định, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị hay gọi cách khác là Thanh tra xây dựng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Đội đề xuất Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền. Ngoài ra, Đội quản lý trật tự xây dựng còn có nhiệm vụ gửi thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý (sau khi có chỉ đạo của UBND quận)…
Như vậy qua đây có thể hiểu, Đội quản lý trật tự xây dựng có nhiệm vụ cực kỳ quan trong trong phát hiện, xử lý sai phạm; giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đô thị.
Quận Ba Đình (Hà Nội) là địa bàn từng để xảy ra vụ vi phạm trật tự xây dựng lớn, gây chấn động Thủ đô và cả nước khi chủ đầu tư đã xây vượt nhiều tầng so với giấy phép xây dựng tại số nhà 8B Lê Trực, phường Điện Biên. Chính quyền thành phố đã yêu cầu quận Ba Đình phối hợp với chủ đầu tư cắt các tầng sai phạm; nhiều cán bộ quản lý trật tự xây dựng bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác do để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Nhận thức rõ về giá trị bài học trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong vài năm trở lại đây quận Ba Đình đặc biệt quan tâm đến công việc này.
Theo ông Vũ Hữu Anh Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình, Đội chỉ có 41 biên chế, quản lý trật tự xây dựng 14 phường nên mỗi cán bộ, công chức thuộc Đội quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình phải làm việc khá vất vả. Địa bàn quận Ba Đình ngoài các khu phố cũ, khu tập thể còn có cả đất nông nghiệp, đất bờ bãi sông Hồng nên nguy cơ phát sinh vi phạm trật tự xây dựng là rất lớn. Để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, Đội đã phân công rõ từng người phụ trách địa bàn; làm rõ trách nhiệm đối với công chức bao che cho sai phạm…
Ông Vũ Hữu Anh dẫn chứng, thời gian từ 10/8/2018 đến 10/8/2022 tổng số công trình phát sinh xây dựng trên địa bàn quận Ba Đình là 2.157 công trình. Trong đó, số công trình có vi phạm là 20 công trình. Đội đã tham mưu với UBND quận ra 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 432 triệu đồng. Đến nay đã giải quyết được 16 công trình, đang tiếp tục giải quyết 4 công trình theo quy định.
Trên cơ sở các kết quả thực hiện nhiệm vụ và thực tế quản lý, ông Vũ Hữu Anh, nhận thấy một số ưu điểm của mô hình thí điểm. Đó là, mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã quản lý đã gắn kết và phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý trật tự xây dựng.
Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thực sự trở thành lực lượng nòng cốt giúp UBND quận trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
"Giữ nguyên được mô hình như hiện nay, vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Vì địa phương quản lý Đội, sẽ phân định rõ được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như mô hình trước khi thí điểm.
Sớm có mô hình hợp lý
Cùng quan điểm này, ông Bùi Văn Hoàng, Đội Trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho rằng, cấp có thẩm quyền cần giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay, không nên phân tách thành cán bộ quản lý cấp quận huyện và cán bộ quản lý cấp xã để tránh gây ra việc chồng chéo chức năng, khó điều hành, quản lý.
Qua theo dõi, kiểm tra hoạt động của các Đội quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế, do các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời hơn.
Đối với các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Từ khi có sự vào cuộc kịp thời của Đội quản lý trật tự xây dựng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao.
So với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
Ưu điểm của mô hình thí điểm được Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) dù cấp có thẩm quyền quyết định số phận của Đội quản lý trật tự xây dựng theo mô hình quản lý nào thì trước hết cũng cần quan tâm đến hiệu quả công việc lên hàng đầu.
Ông Hà phân tích, hiệu quả công việc phải bắt nguồn từ mô hình, biên chế đến phụ cấp ngành, trang phục… để tạo vị thế cho lực lượng. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có kết luận cuối cùng về mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng, thuộc thành phố hay quận quản lý để cán bộ công chức yên tâm làm việc.