Hà Nội: Sửa quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi bị thu hồi đất
Nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng 1 thửa đất ở bị thu hồi, mỗi hộ gia đình được giao 1 suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích bị thu hồi.
Theo nhiều nguồn tin cho biết, từ ngày 16/5/2022, TP Hà Nội sẽ áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 26 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội sửa đổi Khoản 2 - Điều 26 quy định trường hợp đủ điều kiện được bồi thường bằng đất như sau: Trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống trên một thửa đất ở thu hồi mà đủ điều kiện tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú.
Tại Long Biên, thu hồi đất phục vụ xây dựng các công trình công cộng
Không ít hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao 1 suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi (diện tích đất được giao đã bao gồm diện tích đất được bồi thường theo quy định tại Điều 7 quy định này).
Trường hợp mỗi hộ được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tối thiểu tại địa phương vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi, phần diện tích đất tái định cư vượt diện tích đất ở bị thu hồi phải tính tiền sử dụng đất theo giá đất khi giao đất tái định cư nhân hệ số điều chỉnh K theo quy định tại Điểm b - Khoản 3 - Điều 7 quy định này.
Cũ tại Khoản 2 - Điều 26 của Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017, theo quy định, đối với trường trường hợp hộ gia đình có nhiều cặp vợ chồng hoặc đông nhân khẩu (có từ 7 nhân khẩu trở lên) ăn ở thường xuyên tại địa chỉ giải phóng mặt bằng từ trước khi có thông báo thu hồi đất và có diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn hoặc bằng tổng của hạn mức giao đất ở mới tối đa cộng với hạn mức giao đất ở tối thiểu tại địa phương sẽ được giao thêm 1 suất đất tái định cư với diện tích bằng hạn mức giao đất ở mới tối thiểu tại địa phương.
Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
Công tác thu hồi đất cần có sự linh hoạt
Thông tin trước đó cho biết, TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện tốt Nghị quyết 08 về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo".
Lấy Quận Tây Hồ là một ví dụ trong công tác quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi lấn chiếm đất công. Chính quyền quận đã vận động, tuyên truyền, dân vận, bám sát chính sách để cùng giải quyết những vướng mắc trên địa bàn.
Có thể lấy những gốc nhãn trên một khu đất tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, là dấu hiệu dễ thấy nhất để minh chứng gia đình và người thân của bà P đã đến đây sản xuất nông nghiệp và sinh sống từ đầu những năm 80. Từ khu ao đầm bỏ hoang, những người dân đã ra đây khai hoang canh tác, diện tích cứ thế được mở rộng dần lên đến hơn 2.000 m2.
Chia sẻ vấn đề trên, ông Nguyễn Văn T (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Tôi sinh năm 1947, là người dân thổ cư ở đây, bố mẹ, ông bà tôi cũng ở đây. Vì vậy, tôi có đầy đủ thời gian để chứng kiến các hộ đã đến đây ở mấy chục năm".
Bà P (phường Phú Thượng) chia sẻ: "Chỗ này nứt, chỗ kia nứt, những góc tường xây bám vào nhau, đổ tường lúc nào không hay nhưng giờ nếu mình sửa lại thì phải như thế nào mới làm được. Bây giờ mà bỏ ra làm, người ta không cho". Vì khu đất đang trong quá trình xem xét về nguồn gốc sử dụng nên theo chính quyền địa phương, những hộ dân không được can thiệp hay tôn tạo nhà cửa và chờ hướng dẫn giải quyết.
Hiện lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đang tiến hành chỉ đạo các phòng ban xem xét lại nguồn gốc đất khai hoang phục hóa của người dân trên địa bàn quận.
Nói về vấn đề thu hồi đất, theo ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ, Hà Nội từng cho cho rằng: "Trường hợp nếu nguồn gốc đất rõ ràng, có các căn cứ pháp lý thì chúng tôi sẽ có những xem xét, làm sao cho thấu tình đạt lý, không gây bức xúc trong dư luận, nhân dân".
Còn theo Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định: "Theo Nghị định 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành luật đất đai, rõ ràng phải ghi nhận mục đích sử dụng đất của người dân và coi đó là việc sử dụng ổn định lâu dài. Nếu nhà nước có thu hồi đất thì phải bồi thường tái định cư, bồi thường diện tích đất thu hồi theo đúng nghị định của Chính phủ".
Còn về phía người dân, nếu quản lý và sử dụng đất, cũng cần chứng minh được mình là chủ sở hữu chính thức, từ đó sẽ sớm có hướng giải quyết thấu tình hợp lý, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.