Hà Nội tách cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi làng, khu dân cư

Hà Nội đang tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

Sáng 9/12/2024, kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hà Nội chính thức khai mạc. Kỳ họp dự kiến kéo dài 4 ngày. Theo kế hoạch, kỳ họp dành ngày 11/12 để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Một trong những nội dung chất vấn là nhóm vấn đề môi trường (rác thải, ô nhiễm môi trường, không khí...).

Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hà Nội có 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm.

Ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề chế biến nông sản ở thôn Hòa Hợp (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề chế biến nông sản ở thôn Hòa Hợp (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Bên cạnh những con số về kinh tế, thì vấn đề môi trường tại các làng nghề vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Bởi hiện nay ở Hà Nội có tới 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm… Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…

Báo cáo và phân tích môi trường tại 65 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, có 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các cơ sở sản xuất tại khu dân cư…, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện việc bảo vệ môi trường ngành công thương Hà Nội năm 2025.

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ của ngành công thương trong bảo vệ môi trường năm 2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Kế hoạch này còn để thực hiện hiệu quả các Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030; Chương trình Hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngành công thương để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng của con người làm nguồn tài nguyên hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Nội dung triển khai gồm: Duy trì tuyên truyền, phổ biến bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chương trình, đề án, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công Thương, thành phố có liên quan đến công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương; tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Nội dung triển khai tiếp theo là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

Hà Nội cũng tăng cường việc ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp phục vụ công tác bảo vệ môi trường ngành công thương; từng bước vận động thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.

Hà Nội cũng xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường và kinh tế tuần hoàn ngành công thương; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý môi trường cho các ngành công nghiệp theo điều kiện và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ.

Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định quản lý bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Thành phố cũng đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.

Hà Nội cũng tăng cường việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kiểm soát các nguồn chất thải nguy hiểm; thực hiện hiệu quả việc thống kê, khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương theo quy định.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công thương; tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương với các tỉnh trên cả nước.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương theo quy định; phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương.

UBND Thành phố yêu cầu chủ động triển khai các hành động thiết thực hưởng ứng việc bảo vệ môi trường ngành công thương trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, kinh doanh thương mại... Đồng thời, chủ động triển khai các cơ chế, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công thương tham gia thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.

Châu Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-tach-co-so-san-xuat-gay-o-nhiem-ra-khoi-lang-khu-dan-cu-post1698911.tpo