Hà Nội tăng giá nước từ 1/7

Thời tiết gần 40 độ C cùng với thông tin về điều chỉnh giá nước khiến nhiều người dân và sinh viên ở Thủ đô thêm phần lo lắng.

Người dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị thiếu nước sinh hoạt hồi tháng 5/2023.

Người dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị thiếu nước sinh hoạt hồi tháng 5/2023.

Chi phí đội thêm

Ngày hè thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, nước tăng cao, việc giá nước tăng khiến nhiều người dân và sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội thêm lo lắng.

N.T. Hà - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Lao động và Xã hội hiện đang ở trọ tại ngõ 39 Trung Kính (quận Cầu Giấy) cho biết, nắng nóng nhu cầu sử dụng nước để sinh hoạt nhiều hơn.

“Ngoài tiền thuê nhà, tiền điện, thì mỗi tháng phải trả 80.000 đồng tiền nước sinh hoạt. Từ 1/7 chủ nhà trọ đã thông báo tăng tiền nước lên 100.000 đồng. Chúng em ở 3 người như vậy tổng tiền nước là 300.000 đồng, với sinh viên chúng em đây là số tiền không nhỏ”, Hà nói.

Sinh viên này cũng cho biết, chi phí thuê trọ mỗi tháng lên đến 1 triệu đồng/người, giờ giá nước lại tăng, tuy không nhiều nhưng đối với sinh viên cũng thêm áp lực chi tiêu.

Từ Phú Thọ xuống Hà Nội học tập, em H. A. Tuyển - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, cũng lo lắng trước giá nước tăng. “Em thuê trọ cùng 2 bạn, tiền nước khu trọ ở Hồ Tùng Mậu tính theo khối với trên 20.000 đồng/m3. Trung bình mỗi sinh viên dùng khoảng 4m3/tháng. Tuy nhiên, mùa hè dậy sớm tập thể dục, chiều đi đá bóng thì nhu cầu tắm giặt nhiều hơn...”, Tuyển cho hay.

Theo nam sinh viên này, dù chưa có thông báo tăng giá nước song nếu TP Hà Nội điều chỉnh giá tiền nước thì chủ nhà trọ trước sau cũng tăng giá. “Việc tăng tiền giá nước được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Điều đó cũng tăng thêm chi phí sinh hoạt mà sinh viên phải đối mặt...”, H.A Tuyển bày tỏ.

Dù chỉ kinh doanh quán cà phê nhỏ trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), anh N.V. Hùng - quê huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, chi phí tiền nước mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Anh Hùng cho biết, ngoài nước sinh hoạt cho gia đình 5 người với số lượng khoảng 50 lượt khách trên ngày số tiền nước này là phù hợp. “Khách ngồi uống nước thường rửa tay, đi vệ sinh, giá tiền nước mà tăng thêm áp lực cho kinh doanh...”, anh Hùng chia sẻ.

Tăng giá phải phục vụ tốt hơn

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) phát biểu.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) phát biểu.

Liên quan đến phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt của UBND TP Hà Nội, ngày 29/6 Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo này. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đều chung quan điểm cho rằng việc UBND TP Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 1/7/2023 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nêu ý kiến, tăng giá nhưng phải cam kết triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân.

Điều chỉnh giá nhưng phải cung ứng nước sạch liên tục, đủ nhu cầu. Chất lượng nước phải đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và quy trình tính tiền nước.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) cho biết việc tính toán, quy định điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt nên được xem xét, cân nhắc gắn với mức thu nhập của các tầng lớp nhân dân, cũng như việc sử dụng nước sinh hoạt của các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần quan tâm đến những gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo để thể hiện tính nhân văn, khoa học, dân chủ, đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

“Tăng giá nước sạch nhưng cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra toàn bộ các khâu đầu tư xây dựng các nhà máy, các trạm sản xuất nước sạch trên địa bàn thành phố và khu vực, đảm bảo chất lượng nước sạch đúng tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực...”, ông Phạm Ngọc Thảo đề nghị.

Dự thảo Quyết định của UBND TP Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024. Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt ở mức đến 10m3 (hộ/tháng) sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 20 - 30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên 12.000 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024. Đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-tang-gia-nuoc-tu-17-post645161.html