Hà Nội: Tăng thu ngân sách nhờ khai thác hiệu quả đất đai
Thời gian qua, công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đã được các cấp, ngành thuộc thành phố Hà Nội chủ động triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách các cấp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 thực hiện 55.285 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 thực hiện 147.498 tỷ đồng, đạt 266% so với giai đoạn 2011-2015 (kế hoạch năm 2021 thu đạt 22.700 tỷ đồng).
Chiều 2/6, tại trụ sở Thành ủy, Đoàn công tác số 1 và Đoàn công tác số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Luật Đất đai năm 2013 trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính và quy hoạch - kiến trúc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn công tác số 1 Nguyễn Thị Tuyến và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Đoàn công tác số 2 Nguyễn Trọng Đông chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại"; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 25/4/2013 của Thành ủy, thời gian qua, công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đã được các cấp, ngành thuộc thành phố Hà Nội chủ động triển khai thực hiện, tạo nguồn thu cho ngân sách các cấp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 thực hiện 55.285 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 thực hiện 147.498 tỷ đồng, đạt 266% so với giai đoạn 2011-2015 (kế hoạch năm 2021 thu đạt 22.700 tỷ đồng).
Về công tác quản lý, sử dụng và kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công liên quan đến đất đai, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố với tổng số 10.858 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 41.254.642m2, diện tích nhà 10.019.676m2…
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng mô hình thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại địa phương. Đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha. Diện tích đất dôi dư sau dồn đổi là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa được xác định là khâu đột phá, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền, đổi thửa, với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%).
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chất lượng quy hoạch được nâng cao so với giai đoạn trước đây. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt bảo đảm tuân thủ quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện, nâng cao tính khả thi trong thực tiễn, góp phần tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử.
Tình trạng chậm muộn kéo dài trong việc giải quyết yêu cầu, đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc cơ bản được khắc phục. Các đồ án quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố và bàn giao đầy đủ theo quy định là cơ sở cung cấp thông tin, chứng chỉ quy hoạch… qua đó từng bước chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố…
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo các sở và ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Trọng Đông đã chỉ rõ một số tồn tại. Trong đó nổi lên là việc một số chính sách về đất đai không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, chưa có sự tương thích giữa nhiều văn bản luật dẫn đến bất cập khi thực hiện ở cơ sở…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo công phu, chi tiết của các sở cũng như các ý kiến tham gia phát biểu tại buổi khảo sát.
Theo Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong những năm vừa qua, nhất là sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thủ đô đã có chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ; xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba vào tháng 10/2021 là cơ hội để Thành phố rà soát, đề xuất, kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đất đai.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị từ cơ sở, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở hoàn thiện báo cáo; Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo của các đơn vị, tham mưu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy để phục vụ công tác tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ cấp Thành phố và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới.