Hà Nội tăng tốc kích cầu du lịch: Mùa vàng bứt phá
Trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội đã đón khoảng 15,56 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6 ghi nhận 2,79 triệu lượt, tăng gần 16%.

Hà Nội đã từng bước hội nhập, vươn mình, được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt gần 500.000 lượt, tăng 21,4%. Những con số này phản ánh rõ nét sự phục hồi bền vững và đà tăng trưởng khả quan của ngành du lịch Thủ đô sau khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch, biến động toàn cầu.
Thời điểm vàng để bứt tốc
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhận định, Hà Nội đang ở “thời điểm vàng” để bứt tốc về số lượng khách và chất lượng dịch vụ. Việc thành phố liên tục giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, không chỉ gia tăng sức hút mà còn góp phần khẳng định vị thế Thủ đô trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực.
Du lịch Hà Nội không chỉ phục hồi mạnh mẽ mà còn gặt hái những dấu ấn đáng kể trên trường quốc tế. Thành phố Hà Nội lọt Top 3 điểm đến phổ biến nhất toàn cầu do TripAdvisor bình chọn, Top 25 điểm đến được yêu thích mọi thời đại và Top 11 thành phố hấp dẫn nhất thế giới theo Tạp chí Time Out.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thành công trong nửa đầu năm 2025 là kết quả của chiến lược kiên định trong suốt 5 năm qua. Hà Nội lựa chọn các thị trường trọng điểm như, Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời đẩy mạnh truyền thông theo hướng có trọng tâm, phù hợp thị hiếu, thói quen chi tiêu của từng nhóm khách hàng. Nội dung quảng bá được xây dựng kỹ lưỡng, triển khai bài bản, mang tính dài hạn.
Một định hướng quan trọng là thay đổi cơ cấu khách du lịch, từ việc đơn thuần tăng số lượng sang nâng cao chất lượng. Hà Nội đặc biệt chú trọng thu hút nhóm khách lưu trú dài ngày, có khả năng chi tiêu cao và yêu thích các trải nghiệm văn hóa - nghệ thuật bản địa. Theo bà Giang, đây chính là yếu tố tạo khác biệt, giúp Hà Nội tăng sức cạnh tranh so với các đô thị trong khu vực.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, trong đó nổi bật là nhóm 20 sản phẩm du lịch đêm. Chương trình “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại đền Quán Thánh là điển hình, tái hiện không gian tâm linh Hà Nội xưa qua nghệ thuật trình diễn ánh sáng, âm thanh và các tiết mục truyền thống.
Hai tuyến du lịch văn hóa chủ đạo gồm “Con đường di sản Nam Thăng Long” và “Con đường đạo học” sẽ đưa du khách khám phá hệ thống di tích, làng cổ, đình - chùa gắn với lịch sử giáo dục và văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Không gian sáng tạo cũng được khai thác tối đa với các sản phẩm độc đáo như, “Tuyến phố bao cấp Trúc Bạch”, “Toa tàu điện số 6 - Leng keng di sản”, tour khám phá làng thuốc Nam người Dao tại bản Miền (Ba Vì)… nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hóa ngày càng tăng, đặc biệt từ giới trẻ.
Hà Nội còn tận dụng hệ thống hạ tầng để phát triển hành lang du lịch liên kết vùng. Các tuyến du lịch đường sông trên sông Hồng, sông Đuống kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương đang dần được tạo lập hình thành hành lang du lịch liên kết vùng. Các chuyến tàu du lịch đêm chất lượng cao như, “S Journey”, “Hoa phượng đỏ” (Hà Nội - Hải Phòng) và sắp tới là tàu “Năm Cửa Ô” giúp du khách trải nghiệm Hà Nội xưa trong không gian hiện đại.
Chuỗi lễ hội gắn với bản sắc Thủ đô diễn ra sôi động suốt từ nay đến cuối năm: Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025 tại Hoàng Thành Thăng Long; Lễ hội Đồ uống tại Công viên Thống Nhất (29/8-2/9); Festival Thu Hà Nội lần thứ 3 (3-5/10); Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội tại Sơn Tây (7-9/11); Liên hoan Ẩm thực và Du lịch làng nghề - phố nghề tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (tháng 11/2025).
Hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng được mở rộng cả trong nước và quốc tế. Hà Nội góp mặt tại các sự kiện lớn như, ITE Thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ Vàng du lịch Đà Lạt, Osaka Expo (Nhật Bản), ITB India (Mumbai), IFTM Top Resa (Pháp)… Đặc biệt, Hội nghị Phát triển du lịch thông minh dự kiến tổ chức ngày 29-30/7 sẽ là dịp quan trọng để Hà Nội chia sẻ giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm cá nhân hóa trải nghiệm du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý.
Doanh nghiệp đồng hành - sản phẩm bắt nhịp xu hướng

Khách quốc tế thích thú với sản phẩm truyền thống của Việt Nam tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2025. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN
Cùng với sự chủ động từ cơ quan quản lý, khối doanh nghiệp du lịch Hà Nội đang tăng tốc thích ứng và làm mới sản phẩm.
Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, các gói kích cầu được xây dựng theo 3 nhóm chính: lưu trú - nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí và ẩm thực - văn hóa. Trong đó có thể kể đến tour tham quan hầm tránh bom tại khách sạn Metropole, các combo trải nghiệm di sản và ẩm thực tại khách sạn Hòa Bình, MGallery, ưu đãi lưu trú mùa thu tại khách sạn Thăng Long Opera…
Công viên nước Hồ Tây đưa ra các gói combo mùa hè hấp dẫn, kết hợp biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực tạo điểm đến cho gia đình, thanh thiếu niên.
Về lữ hành, Hanoi Tourist phát triển mạnh dòng sản phẩm city tour, tour xe đạp, tour đêm, tour ẩm thực - văn hóa cho khách nội địa và quốc tế lưu trú dài ngày.
Đáng chú ý là nhóm sản phẩm “Về nguồn” do Câu lạc bộ Captour và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức dịp 2/9 với hai tour trọng điểm: “Hành trình nguồn cội” và “Tỉnh thức Ba Vì”. Đây là các tour kết hợp giữa trải nghiệm lịch sử - văn hóa - tâm linh, vừa tri ân quá khứ vừa khám phá chiều sâu văn hóa Việt.
Bà Thái Thị Thanh Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Captour chia sẻ: “Hành trình nguồn cội” giúp du khách sống lại cùng dòng chảy lịch sử để thấu hiểu và trân trọng cội nguồn. Còn “Tỉnh thức Ba Vì” khuyến khích du khách hòa mình vào thiên nhiên, khám phá tâm linh và tái tạo tinh thần giữa một vùng đất giàu bản sắc.
Một sản phẩm đột phá khác là “Đoàn tàu Năm Cửa Ô” do Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt phát triển. Theo ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc công ty, đoàn tàu được thiết kế hiện đại, tích hợp sân khấu nghệ thuật dân gian (xẩm, chèo, chầu văn…), quầy bar, không gian ngắm cảnh. Tàu sẽ chạy 2 chuyến/ngày kết nối Hà Nội - Từ Sơn (Bắc Ninh) và tuyến vòng quanh nội đô vào buổi tối, mang đến trải nghiệm sống động về Hà Nội xưa giữa lòng đô thị hiện đại.
Ba trụ cột chiến lược: Truyền thông - Xúc tiến - Chuyển đổi số

Du khách quốc tế tham quan Hà Nội bằng xích lô. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), hoạt động kích cầu du lịch của Hà Nội năm 2025 có ý nghĩa thiết thực, góp phần hưởng ứng chương trình kích cầu chung của ngành Du lịch Việt Nam. Trong đó, truyền thông và xúc tiến quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng tới bạn bè quốc tế.
Trung tâm Thông tin Du lịch triển khai mạnh mẽ các chiến dịch quảng bá trên website vietnam.travel và các nền tảng mạng xã hội của Cục Du lịch Quốc gia. Riêng tại Hội nghị thượng đỉnh P4G vừa qua, đơn vị sản xuất 3 video quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và Thủ đô, trình chiếu trên các màn hình điện tử LED tại nhiều tuyến phố lớn.
Về chuyển đổi số, Trung tâm đang phối hợp với Hà Nội triển khai hệ thống vé điện tử trực tuyến - liên thông - đa phương thức tại nhiều điểm di tích trọng điểm như, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đền Quán Thánh, các bảo tàng lớn… Hệ thống này giúp nâng cao trải nghiệm và quản lý hiệu quả dòng khách.
Hà Nội đang từng bước tích hợp các xu hướng du lịch mới của thế giới năm 2025 như: du lịch bền vững, du lịch điện ảnh, cá nhân hóa bằng trí tuệ nhân tạo, du lịch bằng tàu hỏa… vào hệ sinh thái sản phẩm của mình.
“Để du lịch Hà Nội phát triển bứt phá, cần sự đồng hành chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Trung tâm Thông tin Du lịch cam kết tiếp tục hỗ trợ Hà Nội trong công tác truyền thông, xúc tiến, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm”, ông Hoàng Quốc Hòa khẳng định.