Cây mận tam hoa 'đòn bẩy' thoát nghèo ở vùng biên xứ Nghệ

Nằm ở độ cao gần 1.500m, Mường Lống (Nghệ An) từng là 'thủ phủ hoa anh túc' một thời. Giờ đây, vùng đất nơi 'cổng trời xứ Nghệ' đang hồi sinh mạnh mẽ với sắc đỏ chín mọng của những vườn mận tam hoa trải dài khắp thung lũng, mang lại sinh kế và khát vọng đổi đời cho đồng bào nơi biên viễn.

Vào mùa hè, khi những đợt sương mù mỏng lướt nhẹ qua các triền đồi, cũng là lúc xã Mường Lống bước vào mùa mận chín.

Khắp bản làng bừng lên sắc đỏ rực của những trái mận căng mọng ẩn hiện sau tán lá xanh non.

Mận được trồng ở Mường Lống quả đẹp và chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng

Mận được trồng ở Mường Lống quả đẹp và chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng

Không khí trong trẻo quyện cùng tiếng cười nói rộn ràng của đồng bào Mông khiến khung cảnh nơi đây tựa như một bức tranh sống động giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ.

Những năm gần đây, cây mận tam hoa không chỉ giúp xóa nhòa bóng dáng cây thuốc phiện trong quá khứ, mà còn mở ra con đường phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào.

Ở bản Mường Lống 1, ông Vừ Tồng Pó, một người dân gắn bó cả đời với mảnh đất này phấn khởi chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi chỉ trồng ngô, lúa trên nương, thu nhập bấp bênh lắm. Từ khi trồng mận, đời sống thay đổi nhiều.

Ngày hội hái mận là hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc tại cổng trời Mường Lống

Ngày hội hái mận là hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc tại cổng trời Mường Lống

Mận dễ chăm, ít sâu bệnh, lại hợp đất, hợp khí hậu. Có năm mận được giá, tôi bán cả quả tươi lẫn bán vé trải nghiệm, nâng cao thu nhập. Khách dưới xuôi lên đông, họ thích lên tận vườn hái mận, ngắm cảnh, chụp hình. Tôi còn dựng thêm lán nghỉ cho khách uống nước, ăn bánh địa phương, ai cũng thích.”

Không chỉ có ông Pó, nhiều hộ dân khác cũng đang chuyển dần sang mô hình trồng mận kết hợp du lịch trải nghiệm. Chị Vừ Thị Dia, chủ một vườn mận rộng gần 1ha ở bản Mường Lống 2 cho biết: “Mùa mận chín, cả nhà tôi đều ra vườn từ sáng sớm để đón khách. Có đoàn từ Hà Nội, Đà Nẵng, thậm chí cả khách nước ngoài. Họ vừa hái mận vừa tìm hiểu cách người Mông chăm cây, ăn món truyền thống. Trồng mận không chỉ là cách kiếm tiền mà còn để người nơi khác biết đến bản mình, hiểu hơn về người Mông.”

Du khách tham gia ngày hội hái mận

Du khách tham gia ngày hội hái mận

Mận được trồng ở xã Mường Lống hầu hết ít được chăm sóc, mà phát triển tự nhiên, nên không những chất lượng tốt mà còn an toàn, được khách hàng ưa chuộng. Mấy năm gần đây, sản phẩm mận Kỳ Sơn bán chạy, nên nhiều hộ dân cũng trồng mới diện tích.

Cây mận tam hoa không chỉ mang lại thu nhập cho người dân, mà còn góp phần “kéo gần” khoảng cách giữa vùng cao và vùng xuôi.

Mỗi mùa mận chín, người dân lại tất bật dọn dẹp vườn tược, dựng thêm lán nghỉ, làm hàng rào, bố trí những góc chụp ảnh bắt mắt để đón du khách. Những đồi mận đỏ au, rực rỡ trong nắng sớm, lấp ló sau những vạt sương mờ, đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với giới trẻ ưa khám phá.

Cây mận giúp đồng bào Mường Lống thay đổi cuộc sống. Ảnh: Nhật Thành

Cây mận giúp đồng bào Mường Lống thay đổi cuộc sống. Ảnh: Nhật Thành

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: “Với khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng đặc trưng của vùng núi đá vôi, Mường Lống rất phù hợp để phát triển cây mận tam hoa.

Hiện toàn xã có khoảng trên 100ha mận, phân bố rải rác ở các bản. Ngoài bán trái tươi, người dân còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm như hái mận tại vườn, thưởng thức đặc sản địa phương, lưu trú tại homestay... tạo nên mô hình kinh tế kết hợp du lịch cộng đồng hiệu quả.”

Để tăng sức hút du lịch, hằng năm chính quyền địa phương còn tổ chức “Ngày hội hái mận” với nhiều hoạt động hấp dẫn như trình diễn khèn Mông, múa xòe, giới thiệu ẩm thực bản địa và các sản phẩm nông sản.

Du khách trải nghiệm thu hoạch mận từ vườn bà con người Mông tại xã Mường Lống (Nghệ An)

Du khách trải nghiệm thu hoạch mận từ vườn bà con người Mông tại xã Mường Lống (Nghệ An)

Những chương trình này không chỉ góp phần quảng bá thương hiệu mận tam hoa Mường Lống, mà còn khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong cộng đồng dân tộc Mông nơi đây.

Từ “thủ phủ hoa anh túc” của quá khứ, Mường Lống hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ với sắc đỏ hy vọng từ những trái mận chín. Giữa vùng biên viễn gió ngàn, thung lũng mận nơi “cổng trời xứ Nghệ” không chỉ mang đến nguồn sinh kế mới, mà còn mở ra hướng phát triển xanh – sạch – bền vững cho bà con vùng cao.

PHẠM NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-te/cay-man-tam-hoa-don-bay-thoat-ngheo-o-vung-bien-xu-nghe-151770.html