Hà Nội tạo bứt phá trong xuất khẩu nông sản

Khép lại năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt ngưỡng 2 tỷ USD, trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt 1,463 tỷ USD, tăng 33,8% so với năm 2023.

Đạt được con số xuất khẩu đó là bước tiến vượt bậc, đánh dấu thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng chế biến sâu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại... để gia tăng giá trị nông sản.

Giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Thế giới hạt dưỡng (huyện Đông Anh) tại Hội chợ thương mại về thực phẩm hữu cơ ở Nuremberg (Đức).

Giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Thế giới hạt dưỡng (huyện Đông Anh) tại Hội chợ thương mại về thực phẩm hữu cơ ở Nuremberg (Đức).

Kim ngạch vượt ngưỡng 2 tỷ USD

Ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Thế giới hạt dưỡng (HANUTI), hằng tháng tiếp nhận hàng chục tấn trái cây để sản xuất các loại siro mang thương hiệu “Giọt lành” và các loại hạt lạc, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh, ngô nếp, vừng trắng, vừng đen… đem rang chín xay thành bột mang thương hiệu “Hạt dưỡng”.

Phó Giám đốc, đồng sáng lập Công ty cổ phần Thế giới hạt dưỡng Phạm Thị Bích Thủy cho biết, toàn bộ nguyên liệu đưa vào sản xuất đều có nguồn gốc rõ ràng, được doanh nghiệp liên kết với nông dân các tỉnh sản xuất theo phương pháp truyền thống, hướng hữu cơ. Ở các vùng liên kết, công ty hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; phối hợp với chính quyền địa phương để lựa chọn, quy hoạch vùng nguyên liệu… Những năm qua, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

“Riêng năm 2025, chúng tôi đã có kế hoạch xuất khẩu cho cả năm. Trong những ngày đầu năm mới, công ty đã xuất khẩu được 15 tấn hạt chế biến sang thị trường Australia. Sản phẩm qua chế biến và xuất khẩu mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với các loại hạt thô tiêu thụ trong nước”, bà Phạm Thị Bích Thủy thông tin.

HANUTI là một trong nhiều công ty trên địa bàn Hà Nội thành công nhờ sản xuất, xuất khẩu nông sản. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Thủ đô có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Với tiềm năng, lợi thế riêng, hiện Hà Nội có diện tích trồng lúa hơn 155 nghìn héc ta; diện tích rau hơn 30 nghìn héc ta; cây ăn quả 20,2 nghìn héc ta; đàn lợn 1,46 triệu con; đàn gia cầm đạt 42,4 triệu con; diện tích nuôi thủy sản 23 nghìn héc ta... Đặc biệt, thành phố hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông sản…

Năm 2024 khép lại, lần đầu tiên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt ngưỡng 2 tỷ USD (đạt 2,024 tỷ USD); trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt 1,463 tỷ USD, tăng 33,8% so với năm 2023. Đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay của Thủ đô, giúp tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội đạt 66.373 tỷ đồng, tăng 12,35% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh thức tiềm năng, lợi thế

Có được kết quả trên là nhờ Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại ở thị trường ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2023, Hà Nội đã tham gia Hội chợ về thực phẩm hữu cơ - Hội chợ Biofach tại Đức. Đoàn của thành phố có các cán bộ và nhiều doanh nghiệp tham gia, như: Công ty cổ phần Visimex, Công ty cổ phần Thế giới hạt dưỡng, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường… Trong 2 năm (2023 và 2024), Hà Nội cũng đã tổ chức đoàn tham gia Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Milan, Italia; Hội chợ Thủ công mỹ nghệ Fomex Thụy Điển năm 2024; Hội chợ Foodservice Australia tại thành phố Sydney 2024…

Tại các hội chợ, doanh nghiệp của Hà Nội đã trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy hợp tác, giao thương với các đối tác quốc tế. Qua đó, đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đưa nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) theo hướng phát huy nội lực, như nguồn lao động, văn hóa địa phương, trí tuệ, sự sáng tạo của địa phương vào các kênh phân phối tại thị trường ngoài nước.

Bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, cấp các giấy chứng nhận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để kết nối vùng sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu. Hà Nội đã mở những lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nắm vững các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại, các điều kiện nhập khẩu của các nước để tăng năng lực sản xuất cũng như chất lượng nông sản.

Xác định xuất khẩu là hướng phát triển nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, sản xuất an toàn và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội tại nước ngoài, nhằm đánh thức tiềm năng và lợi thế, tạo đột phá trong xuất khẩu nông sản.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-tao-but-pha-trong-xuat-khau-nong-san-691449.html