Giá cả trong nước tương đối ổn định, nguồn cung nông sản, thực phẩm dồi dào
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Thanh tra, kiểm tra 512 cơ sở sản xuất kinh doanh
Báo cáo nêu rõ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2025 tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Trà Vinh, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Các đơn vị chuyên môn của Bộ đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản. Các địa phương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 512 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiêp, xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở, chiếm 13% với tổng số tiền 514,32 triệu đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong tháng 1/2025, Bộ NN&PTNT tiếp tục duy trì các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương tổ chức lấy mẫu nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Kết quả đã lấy 1.021 mẫu giám sát và phát hiện 06 mẫu vi phạm, chiếm 0,58%, tăng 0,17% so với cùng kỳ tháng 01/2024. Các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định.
Đối với tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát hàng hóa trong dịp tết, trong tháng 1/2025, giá cả hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán được đảm bảo.
Giá gạo biến động tăng (gạo 25% và 5% tấm tăng 1.000 đồng/kg), giá lúa giảm nhẹ (giảm 997 đồng/kg).
Giá rau củ tại Lâm Đồng giảm nhẹ, tại Hà Nội không biến động nhiều hoặc tăng nhẹ do không có bất thường lớn về thời tiết, nguồn cung dồi dào. Giá các mặt hàng trái cây ghi nhận tăng ở một số địa phương phục vụ dịp lễ ông Công, ông Táo.
Già gà ổn định ở mức tăng nhẹ (gà công nghiệp tăng 250 đồng/kg, gà lông màu tăng 1.333 đồng/kg). Giá lợn hơi biến động giảm nhẹ (khu vực miền Bắc dao động từ 67.000-69.000 đồng/kg giảm khoảng 1.000 đồng/kg; khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 66.000-67.000 đồng/kg giảm 1.000 đ/kg; tại miền Nam duy trì từ 61.800-69.000 đồng/kg).
Giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú tháng 1/2025 ghi nhận sự biến động về giá cả với xu hướng tăng nhẹ ở một số tỉnh. Ví dụ, giá tôm sú tại Cà Mau biến động tăng thùy loại từ 8.000-13.000 đồng/kg, tại Phú Yên ổn định so với tháng trước, giá tôm thẻ ổn định ở mức 270.000 đồng/kg đối với cỡ 30-40 con/kg)...
Nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm...
Nguồn cung đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 - 20%
Tại Hà Nội, những ngày cuối năm, hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối lớn của Hà Nội bắt đầu sôi động, tấp nập hơn. Mỗi ngày có tới hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, thủy hải sản… từ các tỉnh lân cận được chuyển về Thủ đô để cung cấp cho thị trường.
Theo các tiểu thương, nếu không có bất thường lớn về thời tiết thì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Hà Nội vào dịp Tết sẽ khá dồi dào, giá cả không có biến động nhiều hoặc tăng nhẹ.
Giá một số trái cây tại siêu thị Hà Nội tăng nhẹ, cụ thể: Cam sành Hàm Yên có giá 29.900 đồng/kg, tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg so với những ngày đầu tháng 1/2025, bưởi Diễn ở mức 15.900 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg, mận An Phước 69.900 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá, trước hết chuẩn bị cho việc phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 - năm nay hàng hóa mặc dù trong năm có những ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khí hậu song nhìn chung nguồn cung tại các địa phương tương đối ổn định, đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 - 20% trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
"Cũng không thể tránh khỏi một số mặt hàng có giá cả tăng trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng đầu vị như thịt lợn thăn, thịt bò tươi, thủy hải sản cao cấp, rau và hoa quả đặc biệt trong dịp Tết… nhưng chỉ là xuất hiện không phổ biến, mang tính cá biệt về cả về thời gian và mặt hàng đối với xã hội, không làm ảnh hưởng chung đến không khí mua sắm tết của đa số các gia đình trong dịp này. Chúng ta tin tưởng nhân dân sẽ được phục vụ một cái tết tương đối đầy đủ, an toàn để vui xuân đón tết. Với năm 2025 sắp tới" - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Vinh Phú, để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả, các sở công thương, tỉnh thành phố cần có chỉ đạo thường xuyên với hệ thống phân phối để đảm bảo không bị thiếu hàng, “đứt” hàng, giá cả tăng quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng. Đồng thời, liên kết phối hợp giữa các địa phương, nắm thông tin kịp thời để điều động hàng hóa phục vụ cho nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả./.
Về tổ chức Tết trồng cây, trồng rừng, hiện nay, Bộ đang phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và địa phương chuẩn bị tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 03/02/2025 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ).