Hà Nội tập trung hoàn thiện các tuyến đường Vành đai
Hạ tầng giao thông Thủ đô hiện phát triển chưa đồng bộ. Thực tế chứng minh, để có một kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đòi hỏi những nguồn lực đầu tư rất lớn. Trên cơ sở lộ trình hoàn thiện hệ thống giao thông thì việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai sẽ tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển.
Để bảo đảm giao thông, trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đã có nhiều giải pháp tình thế đem lại hiệu quả tích cực. Minh chứng dễ thấy là việc thu hẹp dải phân cách giữa, “xén” vỉa hè để tăng diện tích lòng đường cho các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn.
Ngoài ra, hàng loạt cầu vượt nhẹ được tiến hành xây dựng nhằm tránh xung đột tại các nút giao thông có lưu lượng lớn cũng là một trong những giải pháp hữu ích kéo giảm ùn tắc. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Để “dài hơi” hơn trong phát triển, đòi hỏi Thủ đô phải có sự đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Đầu tư xây dựng các tuyến đường Vành đai là tiền đề đặc biệt quan trọng.
Không khó để thấy khi công tác sửa chữa cầu Thăng Long hoàn thiện, kết nối với công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long cùng với tuyến đường Phạm Văn Đồng đã góp phần khép kín tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội. Đưa tuyến Vành đai này trở thành một trong những tuyến giao thông trục chính quan trọng hàng đầu của Thủ đô, kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng sự kết nối giữa Hà Nội với các vùng miền.
Được biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến đường Vành đai tương tự kể trên, góp phần kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, tuyến Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi) góp phần kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.
Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm.
Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3. đi qua khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam.
Tuyến Vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) - Phúc La (Hà Đông) - đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm - QL32 - cầu Thượng Cát. Vành đai 4 là trục đường liên vùng có tổng chiều dài 98km, điểm đầu đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc huyện Sóc Sơn), điểm cuối tuyến đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Hạ Long (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội nằm trên địa bàn các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông. Đường Vành đai 5 đoạn qua Thủ đô nằm trên địa bàn: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa…
Chia sẻ về vấn đề liên quan, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, hiện lưu lượng giao thông đang tập trung ở nội thành, bởi vậy phải có biện pháp giãn. Giãn bằng cách đầu tư các đường hướng tâm. Nói cách khác, giao thông Hà Nội là giao thông hướng tâm và các đường vành đai. Khi người và phương tiện di chuyển trên các đường hướng tâm mà không có các đường vành đai thì phương tiện bắt buộc phải đi vào các trục đường nội thành sau đó mới chuyển sang các đường hướng tâm khác.
Và như vậy gây ùn tắc cho nội thành. “Tôi lấy ví dụ như xe từ Sơn La – Lai Châu muốn đi về Hải Phòng phải qua Vành đai 3, gây áp lực lên cầu Thanh Trì. Nếu chúng ta có Vành đai 4, Vành đai 5… sẽ điều tiết được các phương tiện đó và họ sẽ không đi vào nội thành nữa. Hiện chúng tôi xác định được mục tiêu phải làm, trước mắt bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, Sở sẽ đẩy mạnh tổ chức giao thông, bố trí lực lượng phân luồng, tuyên truyền và nâng cao ý thức tham gia giao thông…” - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ. /.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-tap-trung-hoan-thien-cac-tuyen-duong-vanh-dai-117726.html