Hà Nội: Thách thức thu ngân sách từ xuất nhập khẩu

Trái ngược với xu hướng tích cực trong công tác thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu ở nhiều địa phương, Cục Hải quan Hà Nội lại đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.

Nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng nhập khẩu qua địa bàn của Hải quan Hà Nội giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh tư liệu

Nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng nhập khẩu qua địa bàn của Hải quan Hà Nội giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh tư liệu

Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu giảm

Theo ông Hoàng Quốc Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, đầu năm 2024, xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý của đơn vị gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh một số mặt hàng vẫn tăng trưởng ổn định như hàng điện tử gia dụng và dược phẩm, nhiều mặt hàng có số thu chủ yếu làm thủ tục tại Cục Hải quan Hà Nội có xu hướng nhập khẩu ít hơn trước… Trong đó, gảm mạnh nhất là nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 42%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 33%; linh kiện và phụ tùng ô tô giảm 31%, linh kiện và phụ tùng xe máy giảm 30%.

Điều này khiến số thu của đơn vị bị ảnh hưởng. Tính đến hết tháng 6/2024, toàn Cục thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 14.943 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, chỉ tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước những tác động từ yếu tố tình hình kinh tế và chính sách, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước năm 2024; giao dự toán thu NSNN năm 2024, giao chỉ tiêu tối thiểu thu hồi và xử lý nợ quá hạn năm 2024.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục và các chi cục chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời vướng mắc thông qua hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.

Chống thất thu qua gian lận trị giá tính thuế

Nửa cuối năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục bám sát công tác đánh giá thu NSNN, phân tích nguyên nhân tăng, giảm để kịp thời có biện pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu năm 2024. Đơn vị cũng tiếp tục rà soát xây dựng danh mục rủi ro về trị giá phù hợp với tình hình biến động giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tập trung xây dựng mức giá kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có thuế suất cao, làm cơ sở để thực hiện kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá ngay tại khâu thông quan hoặc thực hiện kiểm tra sau thông quan nhằm xử lý, ngăn chặn các trường hợp khai báo trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế.

Đặc biệt, tăng cường rà soát hệ thống, kiểm tra các báo cáo của chi cục hải quan về công tác trị giá để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi vấn giá khai báo, kiểm tra, tham vấn giá, thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách qua gian lận trị giá tính thuế. Đồng thời rà soát, kiểm tra việc áp mã HS giữa các đơn vị trong cục đảm bảo sự thống nhất; kịp thời chấn chỉnh việc áp nhiều mã HS cho cùng một mặt hàng hoặc áp dụng sai mức thuế.

Một số chính sách làm giảm số thu của ngành Hải quan

Chính phủ ban hành 17 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi thực hiện các hiệp định FTA trong giai đoạn 2022-2027 với nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao được cắt giảm. Quốc hội đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2024. Đây là những yếu tố khách quan tác động làm giảm số thu của ngành Hải quan cuối năm nay.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-thach-thuc-thu-ngan-sach-tu-xuat-nhap-khau-155519-155519.html