Hà Nội thẩm định 2 xã nông thôn mới nâng cao của huyện Mê Linh
Vừa qua, đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khảo sát thực tế, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 2 xã Liên Mạc và Tự Lập của huyện Mê Linh.
Báo cáo với đoàn về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Liên Mạc Nguyễn Đức Tình cho biết: Sau khi về đích nông thôn mới năm 2014, Liên Mạc được huyện Mê Linh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Để phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, Liên Mạc đã xây dựng và ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Xã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí; đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện, sớm hoàn thành xây dựng nông thôn nâng cao.
Đến nay, 100% tuyến đường trục chính, đường liên thôn trên địa bàn xã Liên Mạc đã được cứng hóa; 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng; 75% trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia; 3/3 thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2023, xã Liên Mạc đã không còn hộ nghèo; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,98%
Đối với xã Tự Lập, ông Trần Văn Huệ - Chủ tịch UBND xã Tự Lập, cho biết, sau khi được UBND thành phố Hà Nội công nhận về đích nông thôn mới năm 2020, địa phương đã tích cực bắt tay vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu, mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.
Hiện tại, diện mạo nông thôn xã đã có khởi sắc, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Xã xây dựng được nhiều tuyến đường cây, đường hoa kiểu mẫu và đường tranh bích họa, tạo diện mạo sáng- xanh- sạch - đẹp.
Hiện, 100% trục chính, đường thôn, liên thôn, đường ngõ xóm của xã Tự Lập đều được bê tông hóa; 100% đường giao thông nội đồng được đổ bê tông hoặc cứng hóa bằng đá răm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 65 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo.
Sau khi đi khảo sát thực tế và nghe báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; các thành viên đoàn thẩm định đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã Liên Mạc, Tự Lập; đồng thời, các thành viên đoàn thẩm định cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu minh chứng của 2 địa phương.
Tại buổi khảo sát, ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định Thành phố đánh giá, diện mạo xây dựng nông thôn mới nâng cao đã hiện hữu tại 2 địa phương, tuy nhiên, huyện Mê Linh và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao 2 xã Liên Mạc, Tự Lập cần tiếp tục rà soát, bổ sung để sớm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu minh chứng trình các sở, ngành của Thành phố cho ý kiến, thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố cho rằng, xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Trong đó, người dân là chủ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, cũng là những người trực tiếp được hưởng thụ.
Do vậy, huyện Mê Linh và chính quyền 2 xã Liên Mạc, Tự Lập tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu; quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường…