Hà Nội - Thành phố Sáng tạo hiện thực hóa những sáng kiến đã cam kết
Hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của người dân Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc 'nhiều lớp lịch sử.'
Với hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa đa dạng, khoảng 1.350 làng nghề thủ công ở các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo phong phú với nhiều nhà thiết kế, nghệ sỹ, các không gian sáng tạo trên toàn thành phố, Hà Nội trở thành trung tâm của sự sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thiết kế.
Ngày 30/10/2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế.
Đây là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội với các danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình,” “Thủ đô của Lương tri và Phẩm giá con người,” “Thủ đô Anh hùng,” là cơ hội để Hà Nội phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, sớm trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố để được công nhận thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.
Có thể thấy, hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của người dân Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử,” ở hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người.
Những công trình kiến trúc, như Hoàng Thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Nhật Tân... đã thể hiện tài hoa, sức sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thiết kế.
Những sản phẩm của sự sáng tạo hiện diện ở khắp nơi trong thành phố, cho thấy nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hà Nội dựa trên thiết kế sáng tạo.
Đó là những ápphích tuyên truyền và biển quảng cáo nổi bật (từng được dán trên các bức tường khắp thành phố, hiện đang được trưng bày ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới), là những thiết kế độc đáo thể hiện ở các tuyến phố nội thành, là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống rất đa dạng, phong phú, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và sự sáng tạo của Hà Nội trong bảo tồn và phát triển.
Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang từng bước thực hiện các sáng kiến đã cam kết, gồm ba sáng kiến cấp độ địa phương và ba sáng kiến cấp độ quốc tế.
Ở cấp độ địa phương, thành phố kiến tạo Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội; xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo; tổ chức Chương trình Truyền hình Tài năng Sáng tạo.
Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội hiện đang triển khai giai đoạn 1, thí điểm mô hình hoạt động của Trung tâm tại Bảo tàng Hà Nội, tập trung vào nội dung là nơi kết nối, điều phối, cung cấp thông tin về hoạt động thiết kế sáng tạo, địa điểm tổ chức một số hoạt động, giao lưu của các không gian sáng tạo.
Thành phố có kế hoạch phát triển Trung tâm Thiết kế Sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
Về việc xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội, thành phố tăng cường các hoạt động sáng tạo trên các tuyến phố đi bộ; kết nối, phát triển, nâng cao năng lực các không gian sáng tạo; xây dựng các không gian sáng tạo tại các làng nghề.
Hà Nội ban hành kế hoạch về việc bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.
Ba sáng kiến cấp độ quốc tế gồm Tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2022; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á vào tháng 11/2023; xây dựng Mạng lưới các Nhà Thiết kế Sáng tạo Trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi có tính thiết kế, sáng tạo, các hoạt động kết nối không gian sáng tạo, các trường đại học, các tổ chức, cá nhân... hướng tới mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối các doanh nghiệp đồng hành, các sản phẩm có giá trị đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố.
Với vai trò thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, đại biểu của Hà Nội tham gia đầy đủ các phiên họp, tọa đàm Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham dự một số phiên họp và hội thảo khác ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, xây dựng phim, cung cấp các hình ảnh và biên tập giới thiệu về “Hà Nội - Thành phố Sáng tạo của UNESCO,” tham gia trưng bày triển lãm tại Trung tâm Văn hóa ASEAN ở Thái Lan.
Hà Nội thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân Thủ đô và quốc tế cùng tham gia, hỗ trợ xây dựng Thành phố Sáng tạo.
Có thể thấy, Hà Nội đã và đang thể hiện rõ quan điểm, chiến lược và định hướng phát triển.
Chiến lược này phản ánh tầm nhìn hướng tới quảng bá bản sắc của Thủ đô. Đây chính là một trong những đòn bẩy lớn và quan trọng giúp Hà Nội thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững Thủ đô, là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm tiếp theo, và hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng./.
Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, viết tắt là UCCN, được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững; tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng.
Các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền thông.