Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)

Cần thiết để giảm thiểu lượng phát thải

Là 1 trong 2 quận trung tâm có những khu vực đủ điều kiện để xác định là vùng phát thải thấp, từ ngày 1/1/2025, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải lưu thông ở vùng phát thải thấp tại một khu vực trên địa bàn. Đây được đánh giá là một trong những động thái quan trọng nằm trong chuỗi các hành động triển khai Luật Thủ đô 2024, nhằm giảm lưu lượng xe và ô nhiễm không khí trong khu vực nội đô.

Ngay sau khi Nghị quyết Quy định thực hiện vùng LEZ được thông qua, trên mạng xã hội nhiều người dân Thủ đô bày tỏ sự đồng thuận trước quyết định này. Một số ý kiến cho rằng việc triển khai vùng LEZ là cần thiết để cải thiện chất lượng không khí, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhất là khi giao thông được xác định là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, với 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy lưu thông, trong đó 70% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra lượng phát thải khổng lồ.

Trả lời phóng viên, chị M.Ngọc (28 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ngày 10/12 chị vừa đọc thông tin cảnh báo người dân bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng khi 2 trong 3 trạm quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ở Hà Nội cho biết chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu. “Vậy nên, khi Hà Nội thông qua thí điểm thực hiện vùng LEZ tôi hoàn toàn ủng hộ. Đây là một biện pháp cần thiết để giảm thiểu lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Chúng ta không thể để bản thân và thế hệ mai sau tiếp tục sống trong bầu không khí ô nhiễm mãi được”, chị M.Ngọc chia sẻ.

Anh Đ.Trung (47 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ ra việc hạn chế hoặc cấm xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải vào vùng LEZ theo khung giờ/thời điểm có thể giúp cải thiện tình trạng giao thông tại khu vực đó trong thời gian cụ thể. “Tôi cho rằng, ngoài lợi ích về môi trường, các biện pháp trong vùng LEZ còn giúp giảm số lượng phương tiện lưu thông, từ đó hạn chế ùn tắc. Nếu kết quả tốt, tôi mong chờ đến ngày vùng LEZ được áp dụng trên toàn thành phố”, anh Đ.Trung bày tỏ.

Có thể thấy, bên cạnh giảm thiểu ô nhiễm không khí, vùng LEZ còn mở ra nhiều “lợi ích kép” như cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế, tăng năng suất lao động, phát triển giao thông xanh, thúc đẩy phát triển bền vững,… Những lợi ích này cho thấy, người dân Thủ đô sẽ “được nhiều hơn mất” khi vùng LEZ chính thức được triển khai, thế nên người dân ủng hộ việc thí điểm vùng phát thải thấp tại Thủ đô.

Quyết tâm xây dựng mô hình LEZ hiệu quả

Nghị quyết quy định thực hiện vùng LEZ trên địa bàn TP Hà Nội nhận được sự đồng thuận từ phần lớn người dân. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít lo ngại về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội nói chung và hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình nói riêng vẫn còn thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông.

Bởi nếu muốn người dân chấp nhận từ bỏ phương tiện cá nhân chạy bằng xăng dầu - thói quen đã ăn sâu vào đời sống của người dân Thủ đô, thành phố cần xây dựng một hệ thống giao thông thay thế thật sự hấp dẫn, sạch và tiện lợi. Chưa kể việc người dân thay đổi phương tiện giao thông cá nhân từ chạy bằng xăng dầu sang xe điện cũng sẽ gặp khó khăn về tài chính, thói quen sử dụng,… Đứng trước những lo ngại trên, để triển khai vùng LEZ khả thi, hiệu quả Hà Nội cần có chiến lược cụ thể nhằm giải quyết những thách thức hiện tại.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND thành phố, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sau khi Nghị quyết được thông qua, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân nơi thí điểm vùng LEZ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Cụ thể, Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho biết nghị quyết mới nêu nguyên tắc ban đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng LEZ. Về nội dung gợi mở một số cơ chế hỗ trợ người sử dụng phương tiện, trước hết là xe máy ô nhiễm chuyển đổi sang điện của Chủ tịch thành phố đưa ra vào ngày 11/12, hiện cơ quan chuyên môn của thành phố cũng đang làm 4 dự thảo thực hiện Luật Thủ đô 2024, trong đó có nội dung nói trên.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm từ phía chính quyền, sự đồng thuận từ cộng đồng và sự tư vấn của các chuyên gia, Hà Nội có khả năng xây dựng một mô hình LEZ hiệu quả. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng không khí mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-thi-diem-thuc-hien-vung-phat-thai-thap-giam-o-nhiem-khong-khi-mang-den-nhieu-loi-ich-post534807.html