Hà Nội thiệt hại hơn 18 tỷ đồng do cháy nổ: PCCC phải lấy phòng ngừa làm chính

Trong 9 tháng của năm 2022, Hà Nội thiệt hại trên 18 tỷ đồng do cháy nổ, vì thế Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cậu Giấy cho rằng, PCCC phải lấy phòng ngừa làm chính.

Đó là thông tin được Đại úy Diệp Xuân Hải - Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cậu Giấy cung cấp trong buổi Tập huấn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2022 do Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 11/11.

Buổi tập huấn thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên Hội KHHGĐ Việt Nam tham gia

Buổi tập huấn thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên Hội KHHGĐ Việt Nam tham gia

Đại úy Diệp Xuân Hải cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn cả nước xảy ra 1.285 vụ cháy, nổ làm 104 người chết và 85 người bị thương, thiệt hại ước tính 536,5 tỷ đồng.

Trong đó, riêng tại địa bàn TP Hà Nội xảy ra 288 vụ cháy (6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 117 vụ cháy trung bình, 151 vụ chảy nhỏ, 3 vụ cháy rừng). Thiệt hại khiến 20 người chết và 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng.

So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy trong 9 tháng của năm 2022 tăng 5 vụ, tăng 9 người chết, giảm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản giảm khoảng 6,9 tỷ đồng.

Trong đó, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 190 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 4 vụ và đang điều tra, làm rõ 82 vụ.

Đại úy Diệp Xuân Hải cung cấp thông tin số vụ cháy trong 9 tháng đầu năm

Đại úy Diệp Xuân Hải cung cấp thông tin số vụ cháy trong 9 tháng đầu năm

Do đó, Đại úy Diệp Xuân Hải khuyến cáo, khi phát hiện cháy, người dân cần tuân thủ những hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy:

- Khi phát hiện có hỏa hoạn, nhất là trong đêm tối, điện bị cắt, trước tiên người dân phải bình tĩnh suy xét, trấn an tinh thần những người có mặt, sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa (bình chữa cháy,mền chữa cháy, cuộn vòi chữa cháy,...), đồng thời gọi 114 báo cháy.

- Nếu cháy xảy ra ở nhà cao tầng, hãy bình tĩnh kiểm tra, nhận định “gốc lửa” đang bùng cháy từ dưới lên hay từ trên xuống, rồi tìm cách thoát theo hướng ngược lại.

- Tuyệt đối không thoát nạn bằng thang máy, bởi khi cháy xảy ra, điện tòa nhà lập tức bị ngắt, bạn có thể bị mắc kẹt khi đang di chuyển trong thang. Hãy thoát nạn theo đường thang bộ, nơi có đèn “Exit- Lối ra”.

- Trước khi mở cửa thoát khỏi căn hộ, hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay (sau đó là sờ tay) lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn, không có nguồn nhiệt mới mở cửa thoát. Khi mở nên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa táp gây bỏng hô hấp. Nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không nên mở cửa.

- Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu. Dùng mặt nạ lọc độc nếu có.

- Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc có sẵn trong nhà để tụt xuống phía dưới. Lưu ý, đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là “sợi dây” thoát nạn lý tưởng. Người dân cần chú ý, mặc nhiều áo và cuốn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt dây.

- Nếu phải băng qua lửa để tới điểm an toàn hơn, hoặc phải ứng cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Khi di chuyển trong phòng, hành lang có nhiều khói, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn.

- Trong mọi tình huống, người dân không thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Trường hợp khẩn cấp, chỉ nhảy khi có đệm không khí và lưới cứu nạn của lực lượng PCCC căng phía dưới, và được lực lượng chức năng chỉ dẫn thoát nạn.

Cán bộ, nhân viên Hội KHGĐ Việt Nam được hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy

Cán bộ, nhân viên Hội KHGĐ Việt Nam được hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy

Kết thúc phần học lý thuyết, dưới sự hướng dẫn của giảng viên lớp tập huấn, các cán bộ, nhân viên thuộc Hội KHHGĐ Việt Nam được thực hành cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy dạng bột, bình chữa cháy khí CO2 để dập tắt đám cháy, những kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu nạn nhân và cách thức xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra,...

Cán bộ PCCC&CNCH làm mẫu cho các học viên

Cán bộ PCCC&CNCH làm mẫu cho các học viên

Từng học viên được thực hành sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy

Từng học viên được thực hành sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy

Thông qua lớp tập huấn, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Đại úy Diệp Xuân Hải nhấn mạnh: “Trong công tác PCCC và CNCH phải lấy phòng ngừa là chính, các đơn vị phải trang bị đầy đủ các hệ thống, thiết bị về PCCC&CNCH, thường xuyên kiểm tra, khắc phục các tồn tại thiếu sót về PCCC; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cho cán bộ, nhân viên, gắn kết chặt chẽ với phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH”.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ha-noi-thiet-hai-hon-18-ty-dong-do-chay-no-pccc-phai-lay-phong-ngua-lam-chinh-d186729.html