Hà Nội: Thiết thực chăm lo người có công
Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, thời gian qua, các cấp, ngành thành phố Hà Nội luôn chú trọng thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người có công bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm; động viên người có công và thân nhân vươn lên trong cuộc sống…
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội - đơn vị có chức năng tham mưu và triển khai thực hiện chính sách người có công của Thành phố cho biết, với sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố ngày càng được mở rộng và mức hỗ trợ ngày càng được tăng lên.
Hàng năm, Sở LĐTBXH Hà Nội đều chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi với từng đối tượng chính sách; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình đời sống người có công để tham mưu tặng quà đột xuất, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tích cực xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trích ngân sách địa phương triển khai các hoạt động như: Tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công; tặng quà đối tượng chính sách hoàn cảnh khó khăn… Đến nay trên địa bàn Thành phố không có hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách người có công; 100% hộ gia đình chính sách đều có cuộc sống ổn định.
Riêng trong năm 2023, theo ông Nguyễn Tây Nam, để chính sách ưu đãi đối với người có công được triển khai thực hiện hiệu quả, ngay từ đầu năm, Sở đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NĐ- HĐND Thành phố quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; tập huấn tại các xã, phường, thị trấn về việc triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu người có công để thực hiện giải quyết hồ sơ liên thông trợ cấp mai táng khi người có công tử trần.
Sở cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị công nhận người có công và kịp thời giải quyết chế độ ưu đãi đúng, đầy đủ cho từng đối tượng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 11.205 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công, với kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Tổng kinh phí 6 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi người có công của Hà Nội là 1.061 tỷ đồng.
Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Thư kêu gọi xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa; Kế hoạch thực hiện chính sách người có công, điều dưỡng người có công... Cùng với Thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt đọng kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn và tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của UBND Thành phố năm 2023.
Tính đến hết tháng 6, toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng đạt 93,5% kế hoạch, dự kiến đến hết tháng 7/2023, các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vận động Quỹ đền đơn đáp nghĩa được giao. Ngoài ra, Thành phố cũng vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công đạt 88,1% Kế hoạch năm với kinh phí 5,88 tỷ đồng; tặng 735/1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 58,6% Kế hoạch năm với kinh phí 2,36 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 43/53 công trình ghi công liệt sĩ, đạt 81,1% Kế hoạch năm; lập danh sách và đưa 10.673/17.155 người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm người có công Thành phố, đạt 62,2% Kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Văn Kiêu, huyện Mỹ Đức, là nạn nhân da cam đang tham gia điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội cho biết: "Những ngày điều dưỡng ở Trung tâm, chúng tôi tham gia nhiều hoạt động tăng cường sức khỏe, đi trải nghiệm bên ngoài nên ai nấy đều vui vẻ, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt. Chúng tôi rất ấm lòng trước sự quan tâm của Thành phố với người có công".
Cùng với tổ chức điều dưỡng, các quận, huyện, thị xã đã và đang phối hợp với các bệnh viện, Ban Chấp hành quân sự cấp huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc và tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách, người có công với kinh phí dự kiến gần 6 tỷ đồng.
Riêng trong dịp 27/7 này, Thành phố dành tặng 121.215 suất quà tới đối tượng người có công và thân nhân, các tập thể và cá nhân tiêu biểu với số tiền khoảng 193 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. “Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương thực hiện rà soát, lập danh sách các trường hợp thụ hưởng theo quyd dịnh để thực hiện chi trả, đảm bảo kịp thời, chu đáo”- ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu và tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo người có công của Thành phố. Sở chỉ đạo các đơn vị, quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công; đẩy mạnh cuộc vận động phong trào Đền ơn đáp nghĩa và hoàn thành Kế hoạch điều dưỡng người có công năm 2023; thăm hỏi, tặng quà đối với người có công đảm bảo quy định.
Sở cũng chỉ đạo các trung tâm điều dưỡng người có công tiếp tục thực hiện tốt công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công đồng thời huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Thành phố chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-thiet-thuc-cham-lo-nguoi-co-cong-158292.html