Hà Nội thiếu 49 trường học tại 8 quận nội đô: Giải pháp tháo gỡ
Hà Nội đang thiếu trường công trầm trọng, chỉ riêng 8 quận nội thành đã thiếu 49 trường. Trong khi đó, thành phố vẫn còn nhiều dự án trường học chưa triển khai.
Đầu năm học 2022- 2023, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), phụ huynh phải tổ chức bốc thăm để con được học mầm non công lập, khiến dư luận bức xúc.
Áp lực thiếu trường công
Tại phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố do Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức chiều 17/10, đại biểu Nguyễn Khánh Hưng (Tổ đại biểu huyện Ba Vì) cho biết, theo quy định, cứ 3-5 vạn dân thì cần bố trí 1 trường THPT. Tại quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân thì cần 6 - 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường. Tại quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân thì cần 4-7 trường THPT nhưng hiện tại chỉ có 2 trường.
Theo đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (Tổ quận Nam Từ Liêm), việc thiếu nhiều trường công lập ở các quận khiến sĩ số học sinh ở các lớp học tăng cao, gây áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa. Các đại biểu đề nghị lãnh đạo thành phố thông tin về giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết, Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700.000 dân. Trong đó, hơn 100.000 cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu, dẫn đến việc phụ huynh phải bốc thăm cho con vào mầm non. Sau sự việc đó, quận đã triển khai nhiều giải pháp, đến năm học 2023- 2024 tình trạng trên đã chấm dứt. “Chúng tôi tập trung vào 4 giải pháp. Đó là lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể, triển khai tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học, khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập”, ông Tâm nói.
Chủ tịch quận Hoàng Mai thông tin, trong 3 năm qua đã xây dựng mới được 23 trường học, cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Dù vậy, với số dân hiện nay, ông Tâm cho rằng, quận vẫn còn thiếu 43 trường học. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho hay, diện tích đất cho các trường học trên địa bàn quận rất chật hẹp, trung bình mỗi trường hiện có khoảng 60 lớp, với số học sinh 40-60 em/lớp…”Quận Đống Đa cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia”, ông Định nói.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu em. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội, thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận, gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai.
269 trường học tại khu đô thị chưa triển khai
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết, theo quy định, các khu đô thị sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư có trách nhiệm xây trường học theo phương thức xã hội hóa đầu tư hoặc bàn giao cho thành phố. Theo thống kê, thành phố có 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, trong đó 55 dự án không quy hoạch bố trí trường học, 119 dự án có quy hoạch 393 trường học. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành xây dựng 117 trường học, chưa triển khai xây dựng 269 trường.
Theo bà Hà, có nhiều nguyên nhân khiến các dự án này chưa được triển khai. Các dự án chuyển tiếp từ thời kỳ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) sáp nhập về Hà Nội phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của quy hoạch thành phố, nhưng quá trình điều chỉnh mất nhiều thời gian…
Để giải quyết vấn đề này bà Hà cho biết, thành phố đã có các văn bản chỉ đạo và ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án đô thị. Đối với trường học trong khu đô thị, thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ. Các Sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức giám sát, phân loại, đề xuất các phương án xử lý.
Góp ý về giải pháp tăng trường, lớp học, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho rằng, giải pháp chính vẫn là tạo điều kiện về quỹ đất và về nguồn vốn. Ông Tâm cho rằng, nguồn vốn phần lớn là từ ngân sách nên không đáng lo lắm, quan trọng nhất là quỹ đất. Từ đó, ông Tâm đề nghị thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Ngoài ra, thành phố khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở đây. “Việc tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô lần này cần sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay”, ông Tâm kiến nghị.