Hà Nội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Ngày 6/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Nghị quyết đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6,5 - 7%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 160,8 - 162 triệu đồng...
Mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đồng thời, đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.
Thành phố tiếp tục thực hiện năm chủ đề 2024 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển"; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng gồm: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Những nội dung này có ý nghĩa kiến tạo không gian phát triển mới; đồng thời, xây dựng thể chế đồng bộ, vượt trội, đặc thù, tạo điều kiện thực hiện các giải pháp huy động tối đa mọi nguồn lực, động lực để xây dựng Thủ đô theo hướng bền vững.
Thời gian tới, song hành với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, UBND thành phố tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích chung, công việc chung với quan điểm xuyên suốt “Chọn đúng người - trao niềm tin - cho điểm tựa - đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng”.
UBND thành phố kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" với mục tiêu phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết Quy định giá dịch vụ đào tạo đối với 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đối tượng áp dụng gồm: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp; các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của thành phố; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Giá dịch vụ đào tạo đối với 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc 2 nhóm nghề Nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, giá dịch vụ đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp gồm: Lái xe ô tô B2 là 15.590.000 đồng; sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí là 10.950.000 đồng; thiết kế tạo mẫu tóc là 16.950.000 đồng; sửa chữa điện thoại di động là 5.960.000 đồng; sửa chữa xe gắn máy là 5.860.000 đồng... Thời gian thực hiện từ năm 2024.
Ngoài ra, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong 4 lĩnh vực của thành phố gồm: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao với 48 dịch vụ; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm 5 nhóm dịch vụ với 26 danh mục dịch vụ; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với 21 dịch vụ; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông với 19 dịch vụ.
Đáng chú ý, trong Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hoạt động sản xuất sản phẩm báo in, sản xuất sản phẩm báo điện tử, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất chương trình phát thanh, hoạt động xuất bản, hoạt động thông tin cơ sở, được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí.