Hà Nội thu hồi gần 1.000 ha đất để triển khai dự án trong năm nay
Hà Nội đồng ý bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất, có tổng diện tích gần 1.000 ha.
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội thống nhất điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 27 dự án với tổng diện tích 53,21 ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 11 dự án với tổng diện tích 33,18 ha. Điều chỉnh tên dự án, quy mô dự án, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi) tại 6 dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP.
Đồng thời, đồng ý bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất với tổng diện tích 929,86 ha; bổ sung danh mục 27 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, với tổng diện tích 62,04 ha; bổ sung danh mục 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ với diện tích 0,3687 ha.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, việc rà soát danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 là cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, quy định tại Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như yêu cầu thực tế của Thành phố.
Các Ban HĐND cũng đề nghị UBND TP làm rõ căn cứ đề xuất tiêu chí bổ sung danh mục đối với dự án đầu tư công được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tính khả thi của việc thực hiện danh mục trong năm (khi chưa được phê duyệt dự án, chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án).
Làm rõ căn cứ pháp lý, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc điều chỉnh tăng 27 dự án, giảm diện tích 11 dự án (trong khi căn cứ pháp lý không thay đổi so với thời điểm trình HĐND TP tháng 12/2023), địa danh cấp xã thực hiện dự án tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND của HĐND TP.
Còn với danh mục điều chỉnh, bổ sung các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý, đối tượng thu hồi và bổ sung quyết định quy hoạch có liên quan đối với 5 dự án đăng ký mới thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm: dự án Công viên văn hóa giải trí kết hợp cải tạo, bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp; dự án Công viên văn hóa nghỉ ngơi; dự án Công viên thực vật; dự án Công viên khoa học công nghệ cao; dự án Khu văn hóa giải trí đa chức năng công cộng đô thị và 1 dự án thuộc địa bàn huyện Đông Anh (dự án Xây dựng khu đô thị mới G6) để đảm bảo đúng tiêu chí đã nêu trong tờ trình; căn cứ đề xuất điều chỉnh tăng diện tích thu hồi tại dự án Khu đô thị cao cấp Mê Linh.
Đồng thời, đối với nhóm các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành nhanh các thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi cao.
Ước đến hết ngày 30/11/2023, kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của Hà Nội đạt 61,5% kế hoạch.
Hà Nội sẽ trả đất dịch vụ cho dân bằng đất đấu giá, xen kẹt
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã về việc giao đất dịch vụ.
Theo đó, để sớm hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân, báo cáo ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành xong trước ngày 30/9.
Đối với các địa phương đã có quỹ đất dịch vụ, lãnh đạo UBND TP yêu cầu thực hiện ngay việc giao đất cho các hộ theo quy định đối với quỹ đất đã hoàn thành xong xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng hạ tầng đối với quỹ đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở giao đất dịch vụ cho các hộ theo quy định.
Địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, UBND TP chỉ đạo tổ chức rà soát quỹ đất đấu giá, quỹ đất tái định cư còn lại, quỹ đất thương phẩm, các dự án sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai và các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư (phù hợp quy hoạch) để xem xét, đề xuất, bố trí cho nhu cầu đất dịch vụ.
Tổ chức rà soát, đề xuất vị trí quỹ đất dịch vụ gửi Sở quy hoạch - Kiến trúc để thống nhất tham mưu, báo cáo UBND TP chấp thuận, tổ chức thực hiện các thủ tục tiếp theo về đầu tư, đất đai, xây dựng.