Hà Nội thúc đẩy nguồn vốn cung- cầu ngân hàng và doanh nghiệp

Mối quan hệ ngân hàng - DN là cộng sinh. Bởi, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng là gỡ khó cho ngân hàng. Vừa qua, Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ DN TP Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chương trình kết nối 'Các giải pháp vốn - tín dụng'.

Số DNNVV trên địa bàn Hà Nội chiếm hơn 98% tổng số các DN đang hoạt động. Ảnh: Minh Anh

Số DNNVV trên địa bàn Hà Nội chiếm hơn 98% tổng số các DN đang hoạt động. Ảnh: Minh Anh

Dành mọi nguồn lực hỗ trợ nhưng tín dụng tăng chậm

Từ đầu năm 2023 tới nay ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Không chỉ giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng. Như ngân hàng Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN.

Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank cũng dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và DN.

Có thể nói, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, cộng đồng DN. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí trong tháng 7 tăng trưởng âm.

Đứng trước vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế.

Các ngân hàng hiện đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ DN cùng nhau vượt qua. Ngân hàng rất khác với DN, ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều. Nếu ngân hàng lỗ gây khó khăn không chỉ trong hệ thống mà cả nền kinh tế, các nước cũng vậy chứ không riêng Việt Nam.

Hiện tại hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường BĐS vẫn còn ảm đạm nên TSĐB khó xử lý, thu hồi nợ. Sau khi, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) và kéo dài thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Hiện tại, Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 để hỗ trợ TCTD xử lý nợ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những vướng mắc lớn nhất của nợ xấu là vấn đề thi hành án. Các chế tài xử lý nợ xấu vừa qua chưa đủ chặt chẽ và hiệu quả để các nhà băng có thể xử lý dứt điểm nợ xấu. Ngoài ra, cần nâng tầm sàn giao dịch mua bán nợ, tạo cơ sở pháp lý phù hợp nhưng đơn giản để tất cả thành phần kinh tế đều có thể tham gia. Sàn giao dịch đó cần thiết kế theo hướng có thể mua bán cả nợ xấu lẫn nợ tốt, để NH có thể bán nợ và ai có tiền có thể mua nợ để làm tài sản. Cần tính tới cơ chế chứng khoán hóa các khoản nợ như các nước phát triển.

Bà Phi Hoa - GĐ Cty One Value đang hoạt động tại Nhật Bản cho rằng: Các DNNVV có thể tham khảo cách chào bán CP hoặc một phần tài sản trong hoạt động mua bán - sáp nhập DN để gọi vốn từ đối tác nước ngoài. Qua đó, có thể tạo ra cơ hội hợp tác mới, tận dụng cơ hội thị trường và khả năng của mỗi bên để “hai bên cùng thắng”. Từ đó, tạo ra những thành công mới cũng như quy mô hoạt động lớn hơn. Mỗi đơn vị nên hoạch định rõ chiến luợc, tiềm năng, mục tiêu hoạt động trước khi gặp gỡ, trao đổi với đối tác... Tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn. Trong đó, có nêu các vướng mắc DN kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) và các điều, khoản có liên quan.

DN cần nới điều kiện vay tín chấp

Hiện nay, số DNNVV trên địa bàn Hà Nội chiếm hơn 98% tổng số các DN đang hoạt động. Đa số DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là mới thành lập, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, Mạc Quốc Anh, cho biết: Hiện nhiều DN gặp khó khăn, trong đó nổi lên là vấn đề thiếu vốn. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu đơn hàng, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều đơn vị phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ. Nguồn lực cạn kiệt dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Các chủ DN cũng khẳng định chủ trương giảm lãi suất là rất quan trọng và phù hợp đối với hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ngân hàng cần xem xét nâng cao tỷ lệ cho vay bằng hình thức tín chấp để chia sẻ với những đơn vị thiếu tài sản thế chấp nhưng có hồ sơ “sạch”. Khi các DN làm ăn nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm thì các ngân hàng cần đa dạng hóa cách thức tiếp cận vốn. Tạo niềm tin giữa ngân hàng - DN, tạo thêm các giải pháp tài chính mới và phù hợp.

Bà Đặng Thị Hương, Phó GĐ Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội cho ý kiến: Cơ quan chức năng rất ủng hộ và sẵn sàng tham gia kết nối để khuyến khích DN tiếp cận nguồn vay, sử dụng đúng mục tiêu, có hiệu quả...Trung tâm chủ động hỗ trợ DN trong tư vấn, đào tạo nhân lực, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như cung cấp thông tin giúp cộng đồng DN trên địa bàn nắm bắt kịp thời các điều kiện và ưu đãi cho vay vốn từ các ngân hàng và TCTD.

Nhìn chung, các DN cũng mong muốn ngân hàng duy trì việc liên tục xây dựng và cải tiến các giải pháp về tín dụng cho phù hợp với nhu cầu thị trường, khách hàng. Nhất là phân định, cơ chế đặc thù từng nhóm ngành trọng điểm như: nhóm ngành xây lắp, dược phẩm và thiết bị y tế, BĐS khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại phân phối… Từ đó giúp định hướng và nâng cao năng lực cho các chi nhánh trong việc tiếp cận, thẩm định khách hàng...

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-thuc-day-nguon-von-cung-cau-ngan-hang-va-doanh-nghiep-349864.html