Hà Nội thực hiện công điện của Thủ tướng về quản lý, điều hành xăng dầu
Thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; nhằm đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thủ đô trong những tháng cuối năm 2022, dịp Tết Nguyên dân Quý Mão và các tháng đầu năm 2025, UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Sở Công Thương: Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội; ra soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trưởng ra soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND Thành phố trước 17 giờ hằng ngày.
2. Cục Quản lý thị trường: Kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu, trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định; rà soát, tổng hợp tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Thành phố gửi Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trước 17 giờ hằng ngày.
3. UBND các quận, huyện, thị xã: Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đóng mở của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận, huyện, thị xã; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường hỗ trợ việc phân luồng, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực có cửa hàng xăng dầu tập trung đông người; giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép để trục lợi, gây mất trật tự an ninh, không đảm bảo chất lượng, an toàn PCCC...
4. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an Thành phố hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp phép cho các phương tiện chở xăng dầu theo quy định, đảm bảo cung cấp xăng dầu kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân.
5. Quỹ Đầu tư và phát triển Thành phố: nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo đúng quy định hiện hành.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: cung cấp, định hướng thông tin cho các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo đài: cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về hoạt động cung ứng mặt hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; hạn chế tập trung mua xăng dầu vào các khung giờ cao điểm để giảm áp lực cho các cửa hàng xăng dầu.
7. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố:
- Yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cam kết đảm bảo đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời hỗ trợ, chia sẻ nguồn hàng với các thương nhân khác trong những thời điểm khó khăn về nguồn nhằm đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định thị trường xăng dầu phục vụ nhân dân.
- Yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2001/NĐ-CP; tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký mở cửa bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/ubndtp-d215228.html