Hà Nội: Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước khi thí điểm chính quyền đô thị
Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND Thành phố.
Tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri
Ngày 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Trong tham luận gửi đến Hội nghị, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua HĐND Thành phố đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 15/ĐA-TU, các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã được HĐND các cấp nỗ lực triển khai, cơ bản hoàn thành và bước đầu đã có chuyển biến rõ nét. Các Tổ đại biểu HĐND Thành phố và HĐND các quận, thị xã (không tổ chức HĐND phường) đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của nhân dân trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, HĐND đã ban hành các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở để UBND và chính quyền các cấp thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.
Để đảm bảo tính khoa học, bài bản và thống nhất trong tổ chức thực hiện, Thường trực HĐND Thành phố đã ban hành kế hoạch định hướng xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố cả nhiệm kỳ 2021-2026 và kế hoạch xây dựng Nghị quyết hằng năm để đôn đốc UBND Thành phố trong việc xây dựng, trình HĐND Thành phố ban hành nghị quyết.
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả. HĐND đã xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; không để trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm; giám sát, tái giám sát đến cùng; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, có kết hợp giữa giám sát chung với giám sát thường xuyên, giữa giám sát qua văn bản với đi giám sát thực tế ở cơ sở, trong đó có giám sát cấp thực thi ở dưới cấp sở ngành, quận, huyện...
Tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND Thành phố đã tổ chức được 68 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề; chất vấn 10 nội dung tại các kỳ họp của HĐND Thành phố; Thường trực HĐND Thành phố tổ chức 1 phiên chất vấn và 3 phiên giải trình.
Trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tại các nơi không tổ chức HĐND phường; Thường trực HĐND Thành phố chỉ đạo các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố và quận duy trì tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các thông tin nổi bật trên các cơ quan thông tấn báo chí, dư luận xã hội liên quan đến các chủ trương chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các vấn đề dân sinh bức xúc... Qua đó, toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét quyết định ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội.
Theo đó, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì trong thời gian HĐND Thành phố không họp, HĐND Thành phố giao Thường trực HĐND Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công và quyết định việc hỗ trợ cụ thể căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm…
Đồng thời, để phù hợp với các yêu cầu hoạt động của HĐND Thành phố, đề nghị Quốc hội quan tâm và giao HĐND Thành phố quyết định về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách các Ban của HĐND Thành phố và các biện pháp để đổi mới hoạt động của HĐND Thành phố đảm bảo thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đề nghị bổ sung trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung quy định về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan. Đồng thời quy định về cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát.
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát HĐND trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định liên quan đến hoạt động của HĐND; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sớm hoàn thành hướng dẫn về Quy chế mẫu hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố...