Hà Nội tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ, chính quyền 2 cấp vận hành thông suốt
Sau 3 tuần chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, TP Hà Nội đã tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ để triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt và đồng bộ.
Tại tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 24/7, ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị là “chìa khóa vàng” để thiết kế lại mô hình quản trị đô thị. Kinh nghiệm của Hà Nội được gói gọn trong 3 yếu tố: Đồng bộ, dữ liệu và chủ động.
Đó là đồng bộ trong tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động của chính quyền cũng như đến từng cán bộ cơ sở khi xử lý các nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết 57. Thứ hai, dữ liệu chính là nền tảng. Muốn quyết định vấn đề gì thì phải có dữ liệu và dữ liệu sẽ quyết định chính xác nhất, theo thời gian thực nhất.
Thứ ba là chủ động. Nếu đợi hết các quy định thì sẽ không đáp ứng được thực tiễn. Do vậy quán triệt tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", Hà Nội cũng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trên cơ sở từ những cán bộ làm trực tiếp, rồi nhận từ phản ánh của người dân, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, nội dung để thực hiện Nghị quyết này.
Sau 3 tuần chính thức vận hành, ông Dũng thông tin, TP Hà Nội đã tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ để triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt và đồng bộ.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nộp thuế, người già cũng như người khuyết tật, để phục vụ thủ tục hành chính.
Bài học lớn nhất mà Hà Nội rút ra, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là lấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ nhân dân.
"Chúng tôi thấy rằng cần phải đổi mới cách nghĩ và cách làm. Chính từ đổi mới cách nghĩ, cách làm, chúng ta sẽ có những hành động cụ thể. Hà Nội xác định công nghệ chỉ là công cụ. Con người là trung tâm; đồng bộ trong chỉ đạo; dữ liệu trong vận hành; chủ động trong triển khai… Đây chính là bài học lớn nhất mà TP Hà Nội đã vận hành đồng bộ và xuyên suốt trong 3 tuần vừa qua", ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội về triển khai Nghị quyết số 57, cải cách hành chính và triển khai chính quyền số.
Hà Nội xác định rằng, chuyển đổi số và cải cách hành chính không chỉ là công cụ kỹ thuật mà là bài toán về tư duy và cách thức tổ chức lại bộ máy. TP Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình là trung tâm hành chính công 1 cấp và sau này có triển khai thêm 126 điểm với 12 chi nhánh và 476 ki ốt thực hiện hỗ trợ thủ tục hành chính.
Với việc chuyển đổi số và cải cách hành chính trong thời gian vừa qua, Hà Nội có rất nhiều cách làm. Thay vì người dân phải đến chính quyền thì chính quyền sẽ đến với người dân và lắng nghe từ người dân, nhận phản ánh từ người dân.
"Hiện nay, hơn 2.000 quy trình, chúng tôi đã thiết kế lại đồng bộ và tập trung vào khoảng 100 thủ tục phát sinh hồ sơ nhiều, như lý lịch tư pháp, giao dịch đảm bảo hay là thủ tục khai sinh, đăng ký thường trú, cũng như bảo hiểm xã hội dưới 6 tuổi", ông Dũng chia sẻ.
UBND TP Hà Nội đã giao chỉ tiêu KPI và hướng tới mục tiêu đến ngày 30/7, tại 126 xã/phường cũng như TP phải đảm bảo 80% thủ tục hành chính trực tuyến. Tuy nhiên, với chỉ tiêu này, ở cấp cơ sở sẽ rất vất vả và theo định biên hiện nay, đối với các điểm bộ phận một cửa tiếp nhận chỉ có 5 cán bộ. Để giải quyết việc thiếu cán bộ, TP Hà Nội đã chủ động đưa cán bộ từ cấp TP xuống cấp xã.
"Anh em cán bộ, công chức có thể vất vả giai đoạn đầu. Nhưng với niềm tin mãnh liệt, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư và với tinh thần quyết liệt "chỉ bàn làm, không bàn lùi" của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi quyết tâm và cam kết với Trung ương, Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ, Hà Nội xin đi đầu thực hiện những mô hình thí điểm. Và khi thiết kế các nội dung liên quan phục vụ người dân, chúng tôi sẽ đóng gói sản phẩm bàn giao cho Trung ương để chia sẻ, nhân rộng đến các địa phương khác", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.