Hà Nội tiếp tục xếp thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính
Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2023, một số địa phương thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), như Hà Nội, đạt 91,43%, xếp thứ 3; Bắc Giang đạt 91,16%, xếp thứ 4...
Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và chỉ số CCHC năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị.
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12 để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả CCHC hằng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
Với các bộ, ngành kết quả đạt Chỉ số CCHC trên 80% gồm 14 đơn vị, Chỉ số CCHC dưới 80% có 3 đơn vị. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2023 là 84.38%, tăng 0.33% so với năm 2022.
Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số CCHC năm 2023, đạt 89.95%. Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 đạt 78.03%, thấp hơn 11.92% so với đơn vị dẫn đầu là Bộ Tư pháp.
Có 10/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2022, tăng cao nhất là Bộ Ngoại giao (+5.83%), 7 bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (-5.31%).
Cũng theo Bộ Nội vụ, kết quả CCHC trong năm 2023 mà các địa phương đạt được là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86.98%, cao hơn 2.19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.
Trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%; 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số CCHC tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9.39%, tăng thấp nhất là 0.03%.
Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm. Trong đó, nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 7 tỉnh, thành phố; nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92.18% và đây là lần thứ 6, Quảng Ninh giữ vị trí này. Xếp vị trí thứ 2 là thành phố Hải Phòng và thứ 3 là thành phố Hà Nội.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81.32%. Qua đánh giá, năm 2023, tỉnh An Giang đã có nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, một số nội dung cho kết quả khá tích cực như cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng một số nội dung cải cách còn bộc lộ nhiều hạn chế...
Đánh giá chung cho thấy, thông qua Chỉ số CCHC năm 2023 cho thấy, các bộ, các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể, tháo gỡ nhiều khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả cải cách trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 cũng cho thấy một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho kết quả đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và có sự phân hóa rõ rệt giữa các bộ, địa phương trong việc triển khai các nội dung cải cách cụ thể.
Theo Bộ Nội vụ, quá trình đánh giá kết quả hai chỉ số nêu trên được triển khai nghiêm túc, khoa học, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, quy mô lớn với gần 90.000 mẫu, để lấy ý kiến đánh giá của công chức, người dân...