Hà Nội tìm hướng đi mới cho xe buýt

Phát triển giao thông công cộng được coi như giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng ùn tắc tại Thủ đô Hà Nội. Ngoài phương tiện hiện đại như đường sắt trên cao thì xe buýt là phương tiện được người dân chú ý hơn cả. Tuy nhiên, phát triển xe buýt theo hướng nào lại khiến cơ quan chức năng đau đầu.

Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, tới đây thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động hoặc tổ chức lại tuyến buýt khi tuyến hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ trợ giá chi phí cao, trùng lặp tuyến lớn, nhu cầu đi lại thấp khi các tuyến hết hạn thầu. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh Hà Nội.

Mật độ rất cao nhưng chỉ tập trung ở các trục chính

Mạng lưới xe buýt của Thủ đô hiện tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã; 512/579 xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%)... Đáng chú ý, xe buýt ở Hà Nội hiện đã kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Song qua rà soát cho thấy, mật độ mạng lưới xe buýt rất cao nhưng chỉ tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực khó tiếp cận, cự ly đi bộ từ 0,5 - 1km, thậm chí có khu vực đi bộ trên 1,5km, người dân mới có xe buýt. Nguyên nhân do tuyến đường không đủ điều kiện hạ tầng để chạy buýt, mặt cắt ngang dưới 5m.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất tăng giá xe buýt.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất tăng giá xe buýt.

Đơn cử như đường Chiến Thắng, Tân Triều, Triều Khúc, khu vực Phùng Khoang, Khương Trung, Khương Hạ, ngõ Văn Chương, Tôn Thất Tùng… có mật độ dân cư cao nhưng xe buýt khó tiếp cận. Hà Nội hiện có 4.405 điểm dừng xe buýt nhưng trong đó chỉ có 350 điểm dừng có nhà chờ, tương đương với 8%. Nhà chờ xe buýt chủ yếu trong nội thành đã xuống cấp do được đưa vào khai thác sử dụng từ những năm 2016 trở về trước. Ngoài ra, một số tuyến đường có nhiều tuyến buýt cùng đi qua như trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông có 9 tuyến trùng lặp, gồm các tuyến buýt: 01, 02, 19, 21A, 21B, 27, 161, E01, E04, E09. Trục giải Phóng - Ngọc Hồi có 14 tuyến trùng lặp. Trục Long Biên - Nguyễn Văn Cừ có 13 tuyến buýt trùng lặp. Trục Cầu Giấy - Nhổn có hệ số trùng lặp là 11 tuyến…

Đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt sau khi Trường Đại học GTVT phối hợp với Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện nghiên cứu Đề án phát triển xe buýt trên địa bàn, PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết: Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến trợ giá với 2.024 phương tiện, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. Trong số này có 269 xe năng lượng sạch và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Hệ thống thông báo âm thanh, hệ thống thông tin bằng bảng LED, wifi miễn phí, lắp đặt camera trên xe đều đạt 100%.

Đề xuất tăng giá, xanh hóa và tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt

Để có hướng đi mới cho hoạt động xe buýt, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua cơ quan này đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động 6 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp điều chỉnh tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến. Các tuyến sau điều chỉnh tỷ lệ trợ giá/chi phí ước đạt 77% (trước điều chỉnh là 85%), giúp giảm phí trợ giá khoảng 193 tỷ đồng/năm. Theo Sở GTVT Hà Nội, sự điều chỉnh thay đổi trên các tuyến có tạo ra sự bất tiện trong sử dụng dịch vụ buýt như tăng thời gian chờ đợi nhưng không quá lớn, vẫn ở trong ngưỡng chấp nhận của người dân. Chất lượng dịch vụ ở các tuyến sau điều chỉnh ở mức trung bình và tốt. Ở giai đoạn 2, dự kiến Hà Nội tiếp tục rà soát xe buýt theo 5 tiêu chí gồm: Hệ số trùng lặp tuyến, hệ số đường không thẳng, tỷ lệ trợ giá so với chi phí, tỷ lệ trợ giá cho một hành khách, hệ số sử dụng sức chứa. Sau rà soát, Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng dịch vụ khi các tuyến cải thiện về sản lượng và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tiêu chí hiệu quả tuyến.

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, cơ quan này đang nghiên cứu tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt. Các tuyến đường được lựa chọn đảm bảo ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang lớn hơn 15m/hướng. Dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm 3 đoạn tuyến đường, tổng có khoảng 6,5km làn ưu tiên. Giai đoạn 2026 đến 2030, đề xuất 12 làn ưu tiên dành cho xe buýt, tổng chiều dài 56,5km. Giai đoạn 2031-2035 sẽ đề xuất 6 làn ưu tiên, tổng chiều dài 135,9km. Cùng đó, xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn giúp tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị. Phát triển các điểm trung chuyển, bố trí lại điểm dừng xe buýt dọc hành lang các tuyến đường sắt đô thị. Đáng chú ý, về việc nâng cao chất lượng phương tiện, chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, Hà Nội đưa ra 3 kịch bản cho giai đoạn đến năm 2035. Kịch bản 1 (100% xe buýt điện), kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG), kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG) (xe buýt LNG/CNG là loại xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén làm nhiên liệu thay thế cho dầu diesel thông thường, giúp bảo vệ môi trường).

Bên cạnh việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt, mới đây, Sở GTVT Hà Nội cũng đã trình UBND TP Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/7/2024. Lý giải cho đề xuất này, theo Sở GTVT là từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh, nên giá vé đang thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Trong chi phí giá vé xe buýt, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, trong khi các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… đều đã tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở GTVT Hà Nội dự báo, khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3%, nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%. Được biết, đề xuất trên của Sở GTVT Hà Nội đang chờ cơ quan chức năng xem xét.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/ha-noi-tim-huong-di-moi-cho-xe-buyt-i736130/