Hà Nội tìm mô hình đầu tư công viên không hàng rào, không bán vé
Thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Ý kiến trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, tổ chức mới đây.
Theo báo cáo của HĐND TP, Hà Nội đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Nhiều hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị còn chưa được hoàn thiện, bất cập như bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải, hệ thống đèn chiếu sáng và công viên cây xanh.
Giải trình với cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, TP rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng phục vụ nhân dân trong các khu đô thị nói riêng và trên địa bàn toàn TP. Vừa qua TP đã thành lập một tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban để rà soát, đôn đốc các dự án công viên cây xanh.
“Năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội”, ông Thanh nêu quyết tâm và cho hay, TP sẽ sớm tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người được hưởng lợi.
Làm rõ thêm ý kiến về việc Công viên Thiên Văn Học (chủ đầu tư là tập đoàn Nam Cường) đã hoàn thành hai năm nhưng chưa đưa vào sử dụng, Phó Chủ tịch UBND Dương Đức Tuấn thông tin, việc đầu tư xây dựng công viên này sai với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Khu đô thị mới Dương Nội. Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đang xử lý các vấn đề liên quan vi phạm trật tự xây dựng ở dự án này.
Ông Tuấn cho hay, rút kinh nghiệm từ việc Công viên nước Thanh Hà (Tập đoàn Mường Thanh) bị tháo dỡ hoàn toàn sau khi sai phạm, TP sẽ cân nhắc phương án giải quyết với Công viên Thiên Văn Học.
TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra toàn diện việc xây dựng công viên trên thực tế có phù hợp hay không, nếu một số hạng mục không phù hợp với quy hoạch nhưng phù hợp với tổng thể thì vẫn đưa vào sử dụng. Phó Chủ tịch UBND TP bày tỏ hy vọng sớm giải quyết được vấn đề pháp lý và đưa công viên vào vận hành.
Hà Nội hiện có 4 công viên do thành phố quản lý gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Từ cuối năm 2021 TP đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho thấy việc cải tạo gặp còn nhiều khó khăn.
Khoảng 40 công viên vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có các công viên như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, TP đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ: công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội; công viên CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy ở Đông Anh; Công viên hồ Phùng Khoang thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân; Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các công viên cây xanh phục vụ công ích (công trình kiến trúc mật độ 5%) thuộc trách nhiệm nhà nước đầu tư, duy trì phục vụ nhân dân không thu phí. Do ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư nên từ năm 2013 HĐND TP có nghị quyết khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, việc xây mới, cải tạo công viên chưa thu hút nhà đầu tư do xây công viên phải bỏ vốn rất lớn; sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng mật độ 5% để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên.
Ngoài ra, việc đề xuất khai thác không gian ngầm cho nhà đầu tư khó đáp ứng các quy định hiện hành vì không phải công viên nào cũng phù hợp làm không gian ngầm. Để khai thác không gian ngầm cần đáp ứng yêu cầu khắt khe của luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, kỹ thuật, như phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn...
Với 4 Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình do TP quản lý, kế hoạch cải tạo là Công viên Thống Nhất (48ha) được quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng công viên mở kết hợp dịch vụ. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn phần diện tích công viên có mục đích kinh doanh (có thu phí) thì đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Việc cải tạo Công viên Thủ Lệ (18ha) khó khăn do nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm chỉ được thực hiện cho sửa chữa nhỏ. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, Vườn thú Hà Nội cần được thực hiện theo tính chất của dự án đầu tư.
Công viên Bách Thảo (10ha) sau nhiều năm khai thác, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Cầu sang đảo sàn gỗ bị mục, trụ cầu sắt bị rỉ; hệ thống các chuồng nuôi cũng rỉ, mái che bị mục, không đảm bảo điều kiện nuôi nhốt theo quy chuẩn. Công viên cũng thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, đèn cảnh quan, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Hiện nay, phần phục vụ công ích do Sở Xây dựng quản lý; khu vực các công trình nhà điều hành, dịch vụ do Cty Công viên cây xanh quản lý và khu vực di tích lịch sử đền Núi Sưa do UBND quận Ba Đình quản lý. Việc có ba đơn vị quản lý các công năng khác nhau của công viên gây khó khăn cho duy tu, cải tạo.