Hà Nội: Tìm mọi cách để cấp nước sạch cho người dân

Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra, hiện các cấp, các ngành của Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất, cung cấp, bảo đảm cho người dân không ai bị thiếu nước sạch.

Tiến gần hơn mục tiêu 100% người dân nông thôn có nước sạch

Những năm qua, hệ thống sản xuất, phân phối nước sạch trên địa bàn Thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn, từ ngân sách, của doanh nghiệp nhà nước và nguồn ngoài ngân sách. Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch trên địa bàn Thành phố, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch.

Nguồn nước cũng chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt để từng bước đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm.

Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã (tăng thêm khoảng 5% với quy mô khoảng 60.000 hộ dân với khoảng 240.000 người so với năm 2021), tại các khu vực: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì, nâng tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85%.

Tuy nhiên, hiện thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Việc triển khai các dự án tại những khu vực nông thôn còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.

Chẳng hạn, nếu ở khu vực đô thị, khi có nhiều hộ dùng chung một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất nên công suất sử dụng cao, từ đó dẫn đến mức lũy kế cao đẩy giá lên cao.

Còn tại khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, có những đoạn đường ống phải thi công cả 100m mới vào được một nhà. Do đó, nhiều nhà đầu tư tính toán nếu nhu cầu sử dụng trên 10m3/tháng thì mới có lãi, trong khi đó, người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan nên nhu cầu sử dụng rất ít. Thực tế đã có những hộ sau khi lắp đặt nhưng không sử dụng dẫn đến lãng phí chi phí đầu tư.

 Nhân viên công ty cấp nước đấu nối cung ứng nước sạch cho khu vực nông thôn.

Nhân viên công ty cấp nước đấu nối cung ứng nước sạch cho khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá nước sạch được Thành phố áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố, 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, do đó đây cũng chính là vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án...

Trên thực tế, từ năm 2019, thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên đến nay kế hoạch điều chỉnh giá nước sạch vẫn trì hoãn.

Được biết, thời gian tới, giá nước sạch trên địa bàn Thành phố sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn, Thành phố sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư gia tăng tiến độ, sớm hoàn thành các dự án nước sạch nông thôn, giúp tiến gần hơn đến mục tiêu 100% tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Liên quan vấn đề tăng giá nước sạch, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện nay, các chi phí cấu thành giá nước sạch, như tiền lương, chi phí điện năng, nguyên vật liệu và chi phí đầu tư đều tăng, dẫn đến việc cần phải điều chỉnh giá nước sạch nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nước sạch giảm chi phí, giảm thất thoát; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối nước sạch.

Căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch tại Thông tư số 44 năm 2021 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã chủ trì cùng các sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố, dự kiến lộ trình trước mắt thực hiện trong 2 năm 2023 và 2024.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sáng, mức giá sẽ áp dụng cho các đối tượng khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trong đó phương án giá dự kiến 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3 trong 1 tháng sẽ tăng 15.270 đồng/tháng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch

Để tăng tốc phủ sóng nguồn nước sạch, cũng như hoàn thành các mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch.

Với các xã đã giao nhà đầu tư, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị cấp nước tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã giao bao gồm (11 dự án nguồn, 29 dự án phát triển mạng). Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hướng dẫn thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác.

Đối với 29 xã chưa có nhà đầu tư sẽ giao các đơn vị đang triển khai dịch vụ cấp nước trong khu vực mở rộng phát triển mạng cấp nước. Với những khu vực không có nhà đầu tư, thành phố giao UBND huyện triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó đề xuất quản lý vận hành sau đầu tư.

Thành phố yêu cầu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân một số xã đấu nối sử dụng nước sạch, tuyên truyền người dân đấu nối sử dụng nước sạch vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, rà soát đóng các giếng nước ngầm tự khai thác không bảo đảm yêu cầu; thực hiện hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Hà Nội sẽ tập trung thực hiện phát triển các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn.

Hà Nội sẽ tập trung thực hiện phát triển các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn.

Mới đây, nhằm đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn, Hà Nội đã chấp thuận phân vùng cấp nước tại các khu vực chưa được đầu tư mạng cấp nước cho 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước trong giai đoạn 2022-2025 và một dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai cấp nước cho những khu vực dân cư miền núi tại huyện Ba Vì (xã Khánh Thượng và Minh Quang) không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội mở rộng cấp nước cho 21 xã của huyện Thường Tín, 8 xã của huyện Thạch Thất. Công ty cấp nước Sơn Tây mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất. Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô mở rộng cấp nước cho 2 xã (Lại Thượng, Phú Kim) huyện Thạch Thất. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai mở rộng cấp nước cho 11 xã còn lại và hoàn thiện 4 xã đã giao tại huyện Chương Mỹ, 2 xã tại huyện Quốc Oai.

Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nghiên cứu cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội mở rộng cấp nước cho 3 xã (Cổ Loa, Bắc Hồng, Thụy Lâm) của huyện Đông Anh; 18 xã của huyện Sóc Sơn. Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam mở rộng cấp nước cho khu vực 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa, 26 xã của huyện Mỹ Đức. Công ty cổ phần Viwaco mở rộng cấp nước cho khu vực 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Đến lúc đó, tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.

Với nhiều nỗ lực, thành phố Hà Nội đang tiếp tục các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch, tránh lãng phí.

VĂN DUYÊN - VĂN LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-tim-moi-cach-de-cap-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-721481