Hà Nội tổ chức gắn tên phố Nguyễn Như Uyên
Ngày 12/3, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp với UBND phường Yên Hòa, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Như ở làng Hạ Yên Quyết (làng Cót, phường Yên Hòa) đã long trọng tổ chức lễ gắn biển phố Nguyễn Như Uyên.
Theo đó, đây là 1 trong tổng số 38 tuyến đường, phố mới được đặt tên và điều chỉnh độ dài 9 tuyến phố theo Quyết định số 5450QĐ/UB của UBND TP Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nhấn mạnh, việc đặt tên tuyến phố Nguyễn Như Uyên là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Cầu Giấy nói chung và dòng họ Nguyễn Như ở làng Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa nói riêng. Qua đó khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo bà Trịnh Thị Dung, Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên sinh năm Bính Thìn (1436) là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Như ở làng Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa thi Kỷ Sửu (năm 1469), triều vua Lê Thánh Tông.
Nguyễn Như Uyên là người mở đầu truyền thống khoa bảng trong suốt thời Lê của dòng họ Nguyễn Như ở làng Cót. Các đời sau còn có Nguyễn Khiêm Quang (cháu nội), đỗ Tiến sĩ, khoa Quý Mùi (năm 1523); Nguyễn Nhật Tráng (cháu đời thứ năm), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (năm 1595); Nguyễn Vinh Thịnh (hậu duệ), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (năm 1659) đều được ghi danh trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Là một trọng thần đạo cao, đức trọng, Nguyễn Như Uyên đã có nhiều cống hiến trong sự phát triển thịnh vượng của quốc gia Đại Việt dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông. Là quan văn trong triều nhưng ông cũng đã ba lần cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua, Bồn Man và lập nhiều chiến công. Ông được ban thái ấp, tước vị, lập cơ nghiệp ở làng Hạ Yên Quyết.
Nguyễn Như Uyên có một thời gian dài đảm nhiệm chức Thượng thư bộ Lại. Ông làm quan thanh liêm, nghiêm cẩn, hết lòng vì việc công. Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên cũng được vua Lê Thánh Tông giao kiêm giữ chức Tế tửu (chức vụ đứng đầu) Quốc Tử Giám, chăm lo việc giáo dục và khoa cử. Khi về trí sĩ (nghỉ hưu), Nguyễn Như Uyên được gia phong chức Thái bảo, được dùng chữ Liêm (trong tên huyện Từ Liêm) làm hiệu cho tước phong của mình - Liêm Quận Công.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cũng đề nghị, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội, tổ chức xã hội, các phòng, ban ngành liên quan, lãnh đạo UBND phường Yên Hòa tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống hiếu học, khoa bảng của làng Hạ Yên Quyết; thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên tới các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường góp phần để tuyến phố ngày càng sạch, đẹp, văn minh, xứng đáng mang tên danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Phố Nguyễn Như Uyên dài 730m, rộng 21m từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính – Yên Hòa đến ngã tư giao cắt phố Nguyễn Chánh – Nguyễn Quốc Trị.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-to-chuc-gan-ten-pho-nguyen-nhu-uyen-5681605.html