Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chiều 3/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, trong đó có nhiều điểm nhấn kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội. (Ảnh: Phi Khanh)

UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội. (Ảnh: Phi Khanh)

Chủ trì buổi họp báo có Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương…

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thông tin về hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai cho biết, các hoạt động được chia làm 3 giai đoạn.

Các hoạt động trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã được thành phố triển khai chủ động, tích cực từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, trước hết làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công.

Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật, thể thao, cuộc thi trang hoàng đường phố “xanh - sạch - đẹp” đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi ở cơ sở và phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tuy nhiên, bão số 3 đã gây hậu quả và thiệt hại lớn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Thành ủy về ứng phó với bão số 3, tập công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa bão; bảo đảm nguồn lực nhằm nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chung tay, góp sức ủng hộ đồng bào, nhân dân những vùng, địa phương bị thiệt hại, thành phố đã xem xét quyết định dừng 8 hoạt động; điều chỉnh quy mô, thời gian 8 hoạt động.

Từ nay đến ngày 10/10/2024, thành phố sẽ tổ chức các nhóm hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bao gồm các hoạt động như: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”; Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” và trao tặng “Huy hiệu vì sự nghiệp Thủ đô” năm 2024.

Đáng chú ý, thành phố tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình.

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động chính, quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, diễn ra vào 8h ngày 10/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với số lượng khách mời dự kiến 3.000 người.

Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về tình hình kinh tế - xã hội quý III, 9 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện 9 tháng năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu quý III năm 2024 đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý IV, thành phố tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025; triển khai khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực; chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm OCOP. Đồng thời, hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Đặc biệt, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Cùng với đó là thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung); ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2025 và điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện Đề án nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Thành phố tập trung kiểm tra tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án cấp nước sạch; hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…

Các cơ quan chức năng và cư dân ở Hà Nội dọn cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3, sáng 8/9. (Ảnh: Lê An)

Các cơ quan chức năng và cư dân ở Hà Nội dọn cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3, sáng 8/9. (Ảnh: Lê An)

Các cấp đã chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã có những thiệt hại về người (4 người chết và 28 người bị thương; trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão; còn lại là do trận dông lốc, cây đổ từ chiều ngày 6/9/2024 và do các sự cố sau bão).

Hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản xảy ra liên quan cây đổ, cành gãy, mất điện, sập đổ, tốc mái công trình và xảy ra các sự cố về điện.

Về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa bão sau lũ, toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.

Về công tác khắc phục hậu quả và đảm bảo đời sống Nhân dân, đối với các ảnh hưởng, thiệt hại về người: TP đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người mất và bị thương.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho hay, công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP, tính đến 16 giờ ngày 22/9/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức tiếp nhận với tổng số tiền đăng ký và ủng hộ là: 177,646 tỷ đồng (số tiền đã về Quỹ Cứu trợ TP là: 153,98 tỷ đồng).

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã hỗ trợ với tổng số tiền là 101,84 tỷ đồng (hỗ trợ Nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng) và nhiều nhu yếu phẩm cho Nhân dân bị ảnh hưởng và tại các khu tạm cư tập trung.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 1,73 tỷ đồng; hỗ trợ Nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn các nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập…).

Thành đoàn, Hội LHPN TP và các ban, ngành đoàn thể đến cấp xã cũng như các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ha-noi-to-chuc-nhieu-hoat-dong-ky-niem-ngay-giai-phong-thu-do-288669.html