Hà Nội: Tổ chức 'Siêu thị 0 đồng' ở mỗi quận, huyện

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội yêu cầu mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất 1 'Siêu thị 0 đồng' tại những nơi tập trung đông công nhân lao động hoặc bố trí ít nhất 1 'Chuyến xe Siêu thị 0 đồng' thường trực hằng ngày, để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động.

 Thời gian qua LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình " Xe buýt siêu thị 0 đồng" để hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Thời gian qua LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình " Xe buýt siêu thị 0 đồng" để hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, trong đó có TP. Hà Nội. Trong đợt thực hiện giãn cách xã hội thứ nhất theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Công đoàn Thủ đô với vai trò, trách nhiệm của mình đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Nhiều cách làm mới, sáng tạo được triển khai như tổ chức Chương trình “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”... để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lần thứ hai, để người lao động yên tâm “ai ở đâu ở đấy” góp phần cùng Thành phố và cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, LĐLĐ thành phố Hà Nội yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng.

Công đoàn các cấp ưu tiên nguồn tài chính Công đoàn và kêu gọi từ nguồn xã hội hóa tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh phí, lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh COVID-19; đặc biệt là người lao động ở các Khu Công nghiệp và Chế xuất (CN&CX), Cụm Công nghiệp tập trung, công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu nhà trọ đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19.

LĐLĐ Thành phố yêu cầu mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn Khu CN&CX Hà Nội tổ chức ít nhất 1 “Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông CNLĐ (theo Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của đơn vị) hoặc bố trí ít nhất 1 “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng” thường trực hằng ngày, để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động.

Cùng với đó, Công đoàn các cấp phối hợp với các doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát đối tượng CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; đặc biệt là đối tượng công nhân đang thuê trọ tại các địa bàn dân cư, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời với mức hỗ trợ mỗi “Túi An sinh Công đoàn” gồm: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu không quá 200.000 đồng/lao động (hoặc 1 phòng trọ).

Kinh phí mua các sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ CNLĐ chi từ nguồn tài chính Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 50% và LĐLĐ TP. Hà Nội hỗ trợ 50%.

Đối với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn tài chính, cần báo cáo về LĐLĐ Thành phố (qua Tổ ứng phó khẩn cấp) để xem xét, tham mưu báo cáo trình Thường trực LĐLĐ Thành phố quyết định cấp hỗ trợ. Trường hợp phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện, các đơn vị phản ánh ngay LĐLĐ Thành phố để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Trường hợp người lao động bị cách ly tập trung tại doanh nghiệp hoặc nằm trong các khu dân cư bị cách ly, phong tỏa cần hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu; nếu số lượng từ 100 người trở lên thì LĐLĐ Thành phố sẽ triển khai hỗ trợ; nếu dưới 100 người Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tự tổ chức hỗ trợ từ nguồn tài chính Công đoàn của đơn vị.

LĐLĐ Thành phố giao “Tổ ứng phó khẩn cấp” LĐLĐ Thành phố là bộ phận thường trực, trực tiếp tiếp nhận thông tin, các yêu cầu cần hỗ trợ từ các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; tham mưu Thường trực LĐLĐ Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh của các cấp Công đoàn Thủ đô.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/ha-noi-to-chuc-sieu-thi-0-dong-o-moi-quan-huyen/441922.vgp