Hà Nội tổng kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về Chuyên đề 'Giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP thực phẩm, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu trên địa bàn TP Hà Nội'.
Kế hoạch số 103/KH-UBND được triển khai trên phạm vi toàn TP Hà Nội từ tháng 4/2025 đến tháng 8/2025 và áp dụng cho 4 nhóm đối tượng.
Cụ thể, các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản được công nhận là sản phẩm OCOP; các cơ sở, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lạnh bảo quản thực phẩm; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở có kho lạnh bảo quản thực phẩm; các cơ sở, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh trái cây nhập khẩu; các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp.

Hà Nội sẽ tổ chức giám sát chất lượng sản phẩm OCOP.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được UBND TP Hà Nội giao là cơ quan thường trực tham mưu, tổ chức thực hiện và phối hợp liên ngành với Sở Y tế, Sở Công Thương trong tổ chức thực hiện Kế hoạch chuyên đề. Định kỳ tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện chuyên đề, phân công rõ các nhiệm vụ.
UBND các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân đối với những lô sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, tham mưu tổ chức thực hiện nội dung kế hoạch chuyên đề Giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP thực phẩm, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu lưu thông, tiêu thụ trên thị trường và cảnh báo nguy cơ nhằm ngăn chặn sự cố mất an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm lĩnh vực ngành nông nghiệp và môi trường quản lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.