Hà Nội: Tổng vốn đầu tư phát triển quý I/2022 đạt 76.260 tỷ đồng

Quý I/2022, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển quý I đạt 76.260 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội quý I/2022 tăng 5,83%, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%).

Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội quý I/2022 tăng 5,83%, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%).

6.250 doanh nghiệp thành lập mới, 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Văn phòng UBND TP. Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022. Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng và Phó Giám đốc Phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì buổi họp báo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành, một số quận, huyện liên quan.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, qua 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố phục hồi rõ nét, toàn diện, đồng bộ và quan trọng là đã theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Tình hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh khởi sắc. So với cùng kỳ, các chỉ số tăng mạnh, các ngành tăng tốc trở lại cho thấy Thành phố đang thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, về công tác phòng, chống dịch Covid-19, quý I/2022, ghi nhận tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số mắc cao trong cộng đồng, đặc biệt sau Tết nguyên đán, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron là chủng lây nhiễm chính tại cả 30/30 quận, huyện, thị xã.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị Thành phố đã chủ động, quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa tập trung công tác phòng, chống dịch. Với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, đến thời điểm này có thể đánh giá, khẳng định Thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19.

Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước). Thành phố từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình; quan trọng đã thực hiện tốt các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch; tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm; đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng mũi 2,3; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết cơ bản thủ tục hành chính cho người dân.

Công tác truyền thông nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch của người dân được chú trọng. Bắt đầu từ sáng ngày 6/4/2022, các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đã được đi học trực tiếp trở lại tại cả 30 quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kiểm soát dịch và sự tự nguyện, đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh.

Cũng theo ông Trương Việt Dũng, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng 5,83%, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần TP.HCM (1,88%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%). Trong đó, dịch vụ tăng 6,15%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, các cân đối lớn được đảm bảo, thu đảm bảo chi. Cụ thể, tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Về giải ngân xây dựng cơ bản, tính đến hết ngày 31/3, toàn Thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ), đến hết ngày 5/4 đạt 8,62 kế hoạch.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển quý I đạt 76,26 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ, cao hơn TP.HCM (7,3%), có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95 nghìn tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4%; có 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2%).

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Thành phố đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; Kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành thương mại, dịch vụ phục hồi do Thành phố mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng trong trạng thái bình thường mới.

Trong tháng 3, tăng trưởng khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 2 con số (45%) so với cùng kỳ do chính sách mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm hoạt động trở lại được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững. Thành phố tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Quan tâm chăm lo chu đáo các đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong tình hình mới.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%

Về hoạt động chỉ đạo, điều hành, trong quý I, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: Báo cáo Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố Hà Nội đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đã phê duyệt án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Phê duyệt thêm 09 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc... Đã khởi công nhà máy điện rác Seraphin khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây. Hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 về Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Phê duyệt Kế hoạch nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và theo dõi thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 21/3/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết chuẩn bị trình Kỳ họp chuyên đề tháng 4 HĐND Thành phố.

Cũng tại Họp báo, ông Trương Việt Dũng cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo, tháng 4 và quý II, các sở, ban, ngành Thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong quý I, thực hiện các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm, đồng thời bám sát diễn biến thị trường thế giới và xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Các cấp, ngành, địa phương, đứng đầu là cấp trưởng các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung bám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH quan trọng đặt ra với địa bàn Thủ đô; các quyết định, quy định mới của UBND Thành phố.

Thứ hai, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các nhiệm vụ trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Thứ ba, tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 31.

Thứ tư, tăng tốc phát triển kinh tế; tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công. Coi công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là cơ sở, là thước đo đánh giá để mỗi đơn vị, quận, huyện gắn với trách nhiệm người đứng đầu tập trung bứt tốc, đảm bảo hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế của ngành, địa phương năm 2022.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tại cơ sở.

Hồng Hạnh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-tong-von-dau-tu-phat-trien-quy-i2022-dat-76260-ty-dong-d163549.html