Hà Nội, TP.HCM định hướng phát triển như thế nào những năm tới?
Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố 'xanh - thông minh - hiện đại', còn TP.HCM lựa chọn tập trung phát triển kinh tế tri thức để góp phần nâng cao tiềm lực đất nước.
Tại Đại hội Đảng XIII sáng 27/1, lãnh đạo hai thành phố lớn nhất cả nước trình bày định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định dù đạt nhiều thành tựu trong chặng đường đã qua, Hà Nội không tự mãn, luôn trăn trở về những việc chưa làm được, những yếu kém, khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực. Ông Phong thẳng thắn cho rằng kinh tế thủ đô tuy đã có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ, chất lượng và tính bền vững chưa cao. Thành phố chưa khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế trên địa bàn.
Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”
Theo Phó bí thư Hà Nội, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn.
Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, đâu đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân.
Các chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước.
Với vai trò đặc biệt, Hà Nội đã được Quốc hội đồng ý cho thí điểm chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, tăng cường tính chủ động, nâng cao năng lực giải trình của chính quyền trong xử lý công việc. Tuy nhiên, theo ông Phong, nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển chưa được giải quyết căn cơ.
“Thuận lợi và thách thức đan xen lẫn nhau, nhưng thuận lợi và cơ hội cho đất nước, cho Hà Nội vẫn là chủ đạo để phát triển. Với vị thế, yêu cầu phát triển ngày càng cao của thủ đô, Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả phương diện”, ông Phong nhấn mạnh đây là yêu cầu khách quan được đặt ra.
Vì vậy, Hà Nội đặt ra những mục tiêu cụ thể. Đến năm 2025, thành phố xây dựng Đảng bộ có năng lực lãnh đạo; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD.
Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Để “xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội thành thủ đô văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế” của cả nước, lãnh đạo Hà Nội cho rằng cần đổi mới tư duy trong phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có bản lĩnh chính trị, trung thành, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
TP.HCM tập trung phát triển kinh tế tri thức
Đại diện cho đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM, Phó bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển.
Theo đó, TP.HCM khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức, hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức; bao gồm đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.
Trên cơ sở đó, thành phố từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
“Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30-35% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước”, ông Phong thông tin.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đưa nội dung đào tạo công nghệ thông tin, kỹ năng số vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực số, hình thành đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên đủ chuẩn quốc tế.
“Thành phố đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 ngành”, ông Phong thông tin.
Một điều quan trọng không thể thiếu được Phó bí thư TP.HCM nhấn mạnh là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố. “Thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức”, ông Phong chia sẻ.
Với những giải pháp đưa ra, kinh tế của TP.HCM vừa qua đạt mức tăng trưởng khá cao. Nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2016-2019, GRDP của TP.HCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Lãnh đạo TP.HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới.
Trước mắt là đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức; đồng thời, phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin…
TP.HCM đề xuất Chính phủ lựa chọn và có chính sách đặc thù với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó, dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu. Song song đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mạnh dạn đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất và quản lý.
“Một khi doanh nghiệp coi trọng đổi mới sáng tạo, quan tâm đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, từ đó góp phần lan tỏa ra xã hội, phát triển lực lượng lao động tay nghề cao, giàu chất xám, tri thức”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông, trong xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao. Do vậy, để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.