Hà Nội: Trái ngọt từ Chương trình OCOP
Với phương châm coi Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chủ lực của nhân dân, trong xây dựng dựng nông thôn mới bền vững. Xác định xúc tiến thương mại là then chốt, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ đó tạo nên phong trào sâu rộng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Sau 3 năm triển khai (2018- 2020), Chương trình OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội đã gặt hái được trái ngọt khi sản phẩm OCOP đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.
Đã có 630 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao đến 5 sao
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 - 1.000 sản phẩm OCOP. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Đến nay, thành phố đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12/2020. Phấn đấu đến hết năm 2020, TP. Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Không chỉ đánh giá xếp hạng sản phẩm, Hà Nội đã mở rộng hệ thống các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm 2020, thành phố đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Trong năm 2020, TP. Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; miền Trung và Tây Nguyên; đồng bằng Nam bộ). Tổng kết 3 sự kiện đầu Ban tổ chức đã kết nối được các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn của cả nước, ký kết được 473 biên bản hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia tại sự kiện.
Năm 2019, để thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, UBND thành phố thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của thành phố. Năm 2020, nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, thành phố đã thông tin, mời trên 50 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP TP. Hà Nội tham gia các sự kiện trưng bày, hội chợ do Sở Công Thương tổ chức. Bên cạnh đó, thông tin, cung cấp danh sách chi tiết 310 sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng gửi các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối sản phẩm phù hợp, tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, trong đó sản phẩm OCOP như: thịt lợn, rau củ… đã được đưa vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị MM Mega Market, BigC…
Tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương và công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2020 (lần thứ nhất) nhằm tôn vinh các chủ thể có sản phẩm được UBND thành phố công nhận, cấp sao sản phẩm OCOP; kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hà Nội... Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô….
Có được kết quả trên, theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là do chương trình đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương, thành phố đến cơ sở, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP thành phố, tạo ý thức và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và nhân dân. Đáng chú ý, Hà Nội có 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với TP. Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ
Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, việc triển khai chương trình vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi lẽ, tuy đã có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân nhưng chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP của một số quận, huyện vẫn còn lúng túng, gặp một số vướng mắc.
Hiện nay, các văn bản, chính sách về Chương trình OCOP chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo công tác quản lý chương trình, quản lý sản xuất kinh doanh, đánh giá và xếp hạng sản phẩm, quảng cáo tiếp thị sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP,… chưa có cơ chế cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Do đó, việc triển khai các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, mặc dù công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên còn chưa tập trung khai thác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại trên các mạng xã hội. Cơ chế, chính sách của Trung ương còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng chu trình OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông; quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông - lâm nghiệp và góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn là định hướng được đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025.
Hà Nội cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất khoảng 400 sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng, trên sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học,… trong nước và quốc tế. Tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhà phân phối, mở rộng thị trường. Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã.
Ông Chu Phú Mỹ cho hay, việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-trai-ngot-tu-chuong-trinh-ocop-149834.html