Hà Nội: Tranh chấp lao động có xu hướng giảm
LĐLĐ thành phố đang quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.363 công đoàn cơ sở và hơn 700.000 đoàn viên.
Ngày 11-6, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu dẫn đầu đoàn khảo sát, làm việc với LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá kết quả 15 năm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát tìm hiểu một số nội dung như công tác đại diện chăm lo cho đoàn viên, người lao động; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, những thuận lợi, khó khăn.
LĐLĐ thành phố đang quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.363 công đoàn cơ sở và hơn 700.000 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 5.918 công đoàn cơ sở với 506.000 đoàn viên.
Một trong những kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ là, thông qua hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội và các tổ tư vấn pháp luật các cấp Công đoàn, đã tổ chức trên 1.900 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho 536.480 lượt đoàn viên, người lao động.
Tính đến nay, có 524.518 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp (chiếm 79%); 629.645 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn (chiếm 61,3%).
Hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể được chú trọng, có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, việc triển khai Đề án thí điểm: “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp” đã góp phần tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng Thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, đã ký 3.699 bản (đạt 75,5%, trong đó Thỏa ước lao động tập thể loại A, B đạt 46%); được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước.
Những việc làm cụ thể do tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động nhằm đáp ứng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn thành phố đạt 7 triệu đồng/tháng. Quan hệ lao động ổn định, số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc ngày càng có xu hướng giảm.
Song vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động là yêu cầu cấp thiết nhưng còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt sau dịch Covid-19. Hiện nay, có gần 86 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền nợ trên 5.154 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách hơn 1,2 triệu người lao động.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-tranh-chap-lao-dong-co-xu-huong-giam-668979.html