Hà Nội: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, bác sỹ cảnh báo những biến chứng nguy hiểm

Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu xuất hiện. Hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Ghi nhận tại 1 số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô.

Sốt cao, xuất hiện nhiều nốt phỏng nước ở trong niêm mạc miệng, tay chân, bệnh nhi 22 tháng tuổi này được chỉ định nhập viện và khẳng định tay chân miệng độ 2. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhi đã cắt sốt và se dần các nốt.

Chị Nguyễn Thị Thủy – xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội: “ Với trường hợp của cháu thì bác sỹ cũng đã tư vấn là cho lấy máu để xét nghiệm vì cháu cũng trường hợp độ 2 rồi, để an toàn cho bé cho nhập viên trong đêm để điều trị. Hàng ngày bác sỹ cũng đến hỏi thăm sức khỏe và vệ sinh răng miệng , tình trạng uống thuốc và ăn uống của bé.”

2 tuần trở lại đây, mỗi ngày khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp điều trị từ 10 đến 15 trường hợp mắc tay chân miệng. Theo các bác sỹ, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cần đưa trẻ đi khám để đánh giá mức độ của bệnh.

Bà Mai Thị Mơ – xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội: “Bác sỹ bảo phải giữ gìn vệ sinh cho cháu, thường ngày cho cháu uống thuốc đầy đủ và bôi miệng cho cháu ngày 3 lần.”

Bác sỹ Nguyễn Tân Trang – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa Nông Nghiệp: “ Dấu hiệu đánh giá độ bao gồm tính chất sốt, những dấu hiệu thần kinh, những biến chứng gặp, bội nhiễm có thể gặp và các chỉ số khác, thông thường đo tần số mạch của trẻ, căn cứ vào đó để đánh giá độ cho trẻ.”

Trong 4 cấp độ bệnh tay chân miệng thì bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là giai đoạn bệnh nhẹ, bệnh nhi có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Độ 2, độ 3 được nhập viện theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Chị Vũ Minh Tâm – Hà Đông, Hà Nội: “Đầu tiên mình thấy việc em bé không ăn uống nữa thì cũng ảnh hưởng đến thể trạng nhiều và em bé lại có dấu hiệu mệt mỏi nên mình cho ở nhà thì không thể yên tâm được nên bắt buộc mình cho vào viện để nhờ chuyên môn của các bác sỹ.”

Bác sỹ Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Đa khoa Hà Đông: “Bệnh tay chân miệng biến chứng gần nhất là bội nhiễm, nở loét tại các phỏng nước đó và biến chứng trẻ sốt cao , có thể co giật biến chứng thần kinh. Biến chứng tiếp theo là viêm màng não do virut EV 71. Tất cả các biến chứng đó sẽ có thể sốt cao, co giật đi vào li bì, hôn mê và đấy là những biểu hiện của trẻ.”

Diễn biến bệnh tay chân miệng trong 5-7 ngày. Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, chưa có vaccine phòng ngừa. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ha-noi-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-gia-tang-bac-sy-canh-bao-nhung-bien-chung-nguy-hiem