Hà Nội trên đà đổi mới - Bài cuối: Gìn giữ truyền thống văn hóa đất Thăng Long
Hơn 1.000 năm qua, kể từ khi hình thành nên đất Thăng Long đến nay, chưa khi nào người Hà Nội vơi niềm tự hào về mảnh đất linh thiêng, giàu truyền thống văn hiến.
Dù có những lúc văn hóa truyền thống bị tác động bởi lối sống mới nhưng những thứ thuộc về giá trị gốc sẽ luôn là sự bền vững, trở thành nền tảng tinh thần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác. Người Hà Nội luôn trân trọng điều đó, ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống để hài hòa với nếp sống văn minh, hiện đại ngày nay.
Gìn giữ, bồi đắp văn hóa truyền thống
Chưa có tỉnh, thành trong cả nước nào hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như Hà Nội và đó được coi là “tài sản” vô giá của Thủ đô trong nhiều thế kỷ qua. Văn hóa Hà Nội được hình thành từ khi Vua Lý Công Uẩn lấy Thăng Long làm nơi định đô, kết hợp từ văn hóa bản địa với văn hóa các vùng miền theo người dân các nơi mang về, được tiếp thu, tiếp biến tạo ra bản sắc riêng, mang đậm chất Kinh kỳ. Sau này, nét văn hóa đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện nay. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long kết hợp với văn hóa xứ Đoài tạo ra tính đa dạng, xong vẫn giữ được đặc trưng riêng. Văn hóa Thăng Long vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
Có lẽ, điều người ta nhìn thấy rõ nhất trong tài nguyên văn hóa Hà Nội chính là các di sản văn hóa vật thể với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được ví như “hồn cốt” của Hà Nội, các di sản vật thể, phi vật thể luôn được thành phố bảo tồn, phát huy tốt các giá trị trong những qua. Hàng trăm di tích xuống cấp được đầu tư, tu bổ để gìn giữ các giá trị quý cho các thế hệ sau, trong đó nhiều di tích mang giá trị quý.
Không chỉ là nguồn ngân sách nhà nước cấp, kinh phí tu bổ còn được thực hiện qua công tác xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư thông qua hình thức như đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Tổng kinh phí xã hội hóa từ năm 2012 đến nay, đạt từ 1.200 tỷ đồng đến gần 1.500 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều di tích đã được hồi sinh, khang trang hơn phục vụ tốt sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân như: Đình Kim Ngân, đình Đông Thành (quận Hoàn Kiếm), đình - đền Đông Hạ, chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng)...
Di sản văn hóa phi vật thể có sự gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần cộng đồng dân cư nên nhiều di sản có sức sống lâu bền. Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội là nhắc đến nghệ thuật trình diễn độc đáo, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian đặc sắc, tập quán xã hội riêng có... gắn với niềm tự hào của người dân Thủ đô. Đó là: Ca trù, rối nước, rối dây, chầu văn, hát trống quân, hát chèo tàu, múa đánh bồng, múa rắn lột, múa chạy cờ... Để giữ gìn, phát huy giá trị di sản phi vật thể, thành phố Hà Nội cũng thực hiện kiểm kê loại hình di sản này, yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản. Một số di sản có nguy cơ mai một cũng được ngành văn hóa Hà Nội hỗ trợ địa phương sưu tầm, khôi phục, tư liệu hóa để làm cơ sở bảo tồn. Để tạo thêm sức sống cho các di sản văn hóa phi vật thể, như Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nói, cũng là tạo nền tảng cho giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, nhân cách, lối sống, xây dựng con người mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Được biết tới là đất Tràng An thanh lịch, người Hà Nội xưa thường mang lối đối nhân xử thế nhã nhặn, khiêm nhường, coi trọng lời ăn, tiếng nói, đi đứng, chào hỏi, thú ăn chơi, thưởng thức... Nét thanh lịch truyền thống còn được coi là giá trị nhân văn và là niềm tự hào của bao người Hà Nội. Qua nhiều thập kỷ, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng người Hà Nội, nhất là người Hà Nội gốc vẫn giữ được cách ứng xử, phép tắc đó.
Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Bông, một trong những con phố nổi tiếng trong khu phố cổ Hà Nội, bà Hoàng Thị Minh Hạnh rất am tường về văn hóa ứng xử của người Hà Nội thủa xưa. Bà kể rằng, trong nhà cũng như ở phố, ít khi có sự cãi vã, nặng lời với nhau, mọi người nhường nhịn nhau từng lời ăn tiếng nói. Con cái được dạy dỗ cẩn thận, biết kính trên nhường dưới, chu toàn việc nhà, anh chị em đùm bọc thương yêu nhau. Nói về văn hóa ứng xử thời nay, bà Hoàng Thị Minh Hạnh tỏ ra băn khoăn khi đã bị phôi pha nhiều.
Để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài các mô hình: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa...
Cũng để định hướng các chuẩn mực ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với tình hình mới, hơn 2 năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Từ khi ra đời, hai bộ Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hướng dẫn tổ chức thực hiện 10 mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Trong đó, các mô hình được triển khai phù hợp với các nội dung của quy tắc ứng xử nhằm đưa quy tắc ứng xử trở thành nề nếp trong đời sống nhân dân Thủ đô. Cụ thể như: Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ...
Dù việc hình thành văn hóa ứng xử cho người dân Thủ đô phù hợp với tình hình mới còn là quá trình lâu dài, bởi sự thay đổi nhận thức không thể một sớm một chiều, song trong việc hình thành nếp sống văn hóa mới, nâng cao văn hóa ứng xử cho người dân Hà Nội đang có nhiều chuyển biến tích cực, như: Cán bộ, công chức thân thiện, tôn trọng, nhiệt tình với người dân hơn khi họ đến làm thủ tục hành chính; ý thức, tác phong làm việc nghiêm túc, thực hiện tốt các quy định của cơ quan đơn vị. Tại khu vực công cộng, người dân đã có ý thức tôn trọng không gian chung của cộng đồng, ứng xử lịch thiệp hơn, biết xếp hàng khi đợi mua hàng hóa... Nhiều người cũng kỳ vọng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương như hiện nay, nếp ứng xử mới của Hà Nội sẽ được định hình, góp phần gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.