Hà Nội triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh COVID-19
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh COVID-19, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội - đơn vị thường trực về công tác phòng, chống dịch - thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Trong thời gian gần đây, theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore. Ghi nhận tình hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cũng nêu rõ: "Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn của các biến thể COVID-19 trong đợt này và cũng không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu".
Nhằm chủ động triển khai phòng, chống COVID-19, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Trung tâm cần tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Tiêm phòng bệnh trên địa bàn Hà Nội (Ảnh minh họa).
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (đặc biệt là giám sát sức khỏe của các hành khách đến từ các quốc gia/khu vực có dịch COVID-19 gia tăng hoặc lưu hành các biến chủng nguy hiểm).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, khoanh vùng xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp mắc bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh.
Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm chủ động tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, giám sát các tác nhân gây bệnh và các biện pháp xử lý ổ dịch để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội phối hợp, hướng dẫn các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công công tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế;
Hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời...).
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại các đơn vị trên địa bàn thành phố; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo dịch theo đúng quy định.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn cần rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tại cơ sở theo diễn biến, dự báo tình hình dịch để sẵn sàng ứng phó khi số mắc COVID-19 gia tăng, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.
Các đơn vị này cần chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, phải có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi,…), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Đồng thời, tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Sở Y tế lưu ý: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời việc báo cáo thông tin ca bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế...
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình và các đơn vị liên quan để tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố; thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn để người dân chủ động nắm bắt và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế; xây dựng, cập nhật các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh phù hợp.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó Tp. Hồ Chí Minh (34 trường hợp mắc), Hà Nội (19), Hải Phòng (21), Bắc Ninh (14), Nghệ An (17), Quảng Ninh (6), Bắc Giang (4), Bình Dương (4), 19 tỉnh, thành phố khác ghi nhận 1 đến 2 ca mắc/ tỉnh. Không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.
Cũng theo Bộ này, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và WHO hiện không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.