Hà Nội triển khai Chương trình mới với lớp 10: Ưu tiên bài toán nhân sự
Trong khi các lớp học khác đã dần ổn định thì việc triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 trong năm học tới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với quyết tâm bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.
Sẵn sàng tâm thế
Bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) - cho biết: Tất cả giáo viên trong trường đều nhận định chương trình mới có nhiều ưu việt và đây là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại. Thời điểm hiện tại, tất cả các thầy cô đã sẵn sàng tâm thế triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 10.
Từ những năm trước, nhà trường đã thực hiện công tác tuyên truyền đến đầy đủ giáo viên, cán bộ nhân viên, giúp nâng cao nhận thức về tính tất yếu của việc thực hiện Chương trình GDPT mới, đồng thời chủ động các phương án, lên kế hoạch để thực hiện chương trình, đặt mục tiêu thực hiện thành công các kế hoạch.
Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chủ động xây dựng cấu trúc chương trình, nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Nhà trường cũng đã bàn bạc, xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất cho học sinh lựa chọn, đưa ra các phương án phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như thế mạnh của nhà trường.
Còn ông Nguyễn Quốc Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh) - chia sẻ: Để thực hiện chương trình mới, giáo viên toàn trường đã nghiên cứu chương trình khung của Bộ GD&ĐT để từ đó tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đối với học sinh, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện chương trình mới trong năm học tới.
Bà Lương Quỳnh Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây - cho biết: Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên đều sẵn sàng đón nhận Chương trình GDPT mới đối với lớp 10. Nhà trường đã chủ động và triển khai đến tất cả các tổ chuyên môn, đến tất cả giáo viên để nắm vững Chương trình GDPT từ đầu năm học.
Hiện nay, các tổ bộ môn đã chọn xong sách giáo khoa và nộp về sở để tổng hợp. Nhà trường cũng đã tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị mới các phòng thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học, nâng cấp phòng máy tính, phòng ngoại ngữ. Nhà trường cũng đã có phòng Âm nhạc và Mỹ thuật. Hàng năm, nhà trường đều sửa chữa, mua sắm mới để đảm bảo cơ sở vật chất sẵn sàng triển khai chương trình mới.
Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) - thông tin: Từ sau Tết Nguyên đán 2022, trường đã bắt tay vào xây dựng cơ cấu dự kiến các môn học lựa chọn của trường. Trên cơ sở tính toán số lượng đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học, xu hướng chọn học các môn tự nhiên, xã hội của học sinh toàn trường vài năm gần đây, ban giám hiệu trường dự kiến tổ chức 5 tổ hợp môn lựa chọn khác nhau.
Lãnh đạo trường đã triển khai phiếu thăm dò nguyện vọng đăng ký các tổ hợp môn tự chọn tới các trường THCS lân cận có nhiều học sinh dự thi tuyển sinh vào trường. Mục tiêu để khảo sát nguyện vọng của các em. Nhà trường cũng rà soát đội ngũ, xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn, dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 10 giảng dạy trong năm học tới.
Bài toán thiếu giáo viên
Một trong những thách thức đối với các địa phương, trong đó có Hà Nội là việc thiếu giáo viên dạy một số môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 như Tin học, Ngoại ngữ (lớp 3), Khoa học tự nhiên (lớp 7); Âm nhạc, Mỹ thuật (lớp 10)... Ngoài ra, khi học sinh được lựa chọn môn học sẽ dẫn đến việc thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bà Lương Quỳnh Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây - cho biết: Vấn đề nhà trường lo nhất khi triển khai chương trình mới là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Những năm gần đây, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của trường phát triển mạnh nên chắc chắn trong năm học tới sẽ có học sinh lựa chọn các môn nghệ thuật.
Cũng như các trường THPT khác, hiện nay nhà trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Do đó, bên cạnh việc cố gắng tư vấn cho học sinh tham gia các tổ hợp theo điều kiện thực trạng đội ngũ, nhưng nếu có về Âm nhạc và Mỹ thuật thì nhà trường sẽ có phương án. Nhà trường sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của học sinh, mời giáo viên ký hợp đồng để chuẩn bị cho năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên - cho biết: Hiện nay tại Trường Kim Liên, đội ngũ giáo viên các môn KHTN gấp đôi số lượng đội ngũ giáo viên các môn KHXH. Nếu học sinh lựa chọn các tổ hợp KHTN và KHXH cân bằng nhau thì đấy cũng là khó khăn trong việc sắp xếp đội ngũ.
Để giải quyết vấn đề này, nhà trường sẽ tính toán những giải pháp để dung hòa. Có thể năm đầu tiên thực hiện, nhà trường sẽ cố định số lượng lớp theo hướng tổ hợp KHTN hoặc cố định lớp theo tổ hợp KHXH để học sinh lựa chọn. Điều này sẽ giúp nhà trường sắp xếp giáo viên phù hợp, cân đối chương trình.
Thầy Nguyễn Quốc Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh) - cho biết: Với các môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường sẽ liên kết với các trường tiểu học và THCS trong huyện để trao đổi giáo viên. Hoặc 6 trường THPT trên địa bàn huyện cũng có thể hợp đồng với giáo viên để cùng giảng dạy cho học sinh.
Chúng tôi đã tham mưu với UBND TP phân bổ biên chế giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cho các trường. Trước mắt, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế, ưu tiên nguồn lực hiện có, ký hợp đồng thêm giáo viên để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 học Tin học, Ngoại ngữ; đảm bảo học sinh lớp 10 được đáp ứng tốt nhất trong việc lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp để học tập. - Ông Phạm Xuân Tiến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)
Vân Anh