Hà Nội triển khai điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại trạm y tế lưu động
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản số 632/SYT-NVY hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về chuyên môn tổ chức các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại địa bàn quản lý.
Các cơ sở này có nhiệm vụ thu dung, khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện; phát hiện sớm, xử lý cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh Covid-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Đồng thời, kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm tại các cơ sở này và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng. Các cơ sở này không tiếp nhận các trường hợp người bệnh Covid-19 là phụ nữ mang thai và người mắc bệnh lý nền.
Các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động (Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19) phù hợp với tình hình.
Các cơ sở này phải có trạm gác, bảo vệ trực 24/24 giờ, bố trí barie đặt biển cảnh báo; khu vực tiếp nhận bệnh nhân F0; điểm khử khuẩn tất cả các phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phương tiện ra, vào và các khu điều trị, khu hành chính, hậu cần. Người bệnh Covid-19 được bố trí phòng theo 2 loại đối tượng là người khỏe mạnh, không có triệu chứng và người có triệu chứng nhẹ.
Ngoài các trang, thiết bị cơ bản, các cơ sở này phải có 1 xe ô-tô chuyên dụng hỗ trợ để vận chuyển người nhiễm Covid-19 đi cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn.
Nhân lực y tế được đào tạo, tập huấn về chẩn đoán, điều trị và phòng, chống dịch Covid-19. Nhân lực phục vụ khác được đào tạo về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống dịch. Mỗi nhóm làm việc tối thiểu 14 ngày, được thay kíp, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16/11/2021. Theo Công điện này, Hà Nội sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Các nơi thực hiện thí điểm gồm Trung tâm Văn hóa, Thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên - quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn - quy mô 200 giường; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường; Trường mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức - quy mô 200 giường.