Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi

Hiện trên địa bàn Hà Nội nhiều đập, hồ thủy lợi vừa và nhỏ của thành phố xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố do nhiều công trình thủy lợi được xây dựng cách đây 30-40 năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bước vào mùa mưa bão năm 2020 để bảo đảm an toàn cho các công trình cắt lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn Hà Nội nhiều đập, hồ thủy lợi vừa và nhỏ của thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố do nhiều công trình thủy lợi được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ 30-40 năm.

Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Nhiều công trình xuống cấp

Hồ Văn Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). Hồ được xây dựng năm 1968-1969, rộng 167ha, trữ khoảng 7 triệu m3 nước.

Ngoài trữ nước phục vụ 342ha sản xuất nông nghiệp, hồ Văn Sơn còn làm nhiệm vụ cắt lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, bảo vệ tính mạng, tài sản trực tiếp nhân dân 3 xã nêu trên của huyện Chương Mỹ...

Sau hơn 50 năm đưa vào sử dụng, mặt đập, mái đập hồ Văn Sơn xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, sạt lở, thân đập bị thấm. Hai mang cống xuất hiện nhiều mạch đùn, van mở cống bị dơ dão, xuống cấp...

Đặc biệt, tại khu vực đập tràn xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, mái bể tiêu năng bờ phải bị sạt lở rộng khoảng 20m2...

Tương tự, 7 hồ thủy lợi vừa và nhỏ: Thó Bịn, Canh Nhỉm, Bưởi, Phú Lội, Cẩm Quỳ, Đồng Đầm, Đình Thử của huyện Ba Vì đang xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng...

Chứng kiến hồ bị hư hỏng, xuống cấp, người dân các địa phương trên rất lo lắng, rất mong thành phố bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn khi mùa mưa đang bước vào tháng cao điểm.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 117 hồ thủy lợi, nằm trên địa bàn 6 huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây; trong đó có 9 hồ chứa có quy mô lớn, 20 hồ có quy mô vừa và 88 hồ quy mô nhỏ.

Các hồ thủy lợi của Hà Nội phần lớn được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, kỹ thuật thi công thủ công.

Ngoại trừ các hồ chứa lớn, phần lớn các hồ quy mô nhỏ và vừa không bảo đảm an toàn khi mưa, lũ ngày càng cực đoan, bất thường như hiện nay.

Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, nhất là các hồ nhỏ thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Việc quản lý về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đã được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm, tuy nhiên, việc thực hiện một số quy định về quản lý an toàn tại một số đập, hồ chứa còn chưa đầy đủ.

Chẳng hạn như chưa điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; thiếu hệ thống thiết bị quan trắc công trình đập, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước.

Nhiều đập, hồ chứa nước chưa có hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; chưa có quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước dẫn đến khó khăn trong quản lý…

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn đập, hồ chứa nước.

Trước thực tế một số đập, hồ chứa nước đã xảy ra sự cố trong thời gian qua, việc nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Chủ động phòng ngừa

Ông Đặng Quang Hưng, Đội trưởng Đội Thủy nông vùng hồ (Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ), cho biết đơn vị đã phối hợp với các xã và huyện Chương Mỹ xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó 5 tình huống khẩn cấp sự cố đập hồ.

Hiện tại, các đơn vị đã chuẩn bị, sẵn sàng huy động 300 người ứng cứu, 270 cây tre, 200 tấn phên nứa, 24.000 bao tải dứa, 800m3 đất... Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng 7 kịch bản ngập lụt, bảo đảm an toàn cho 30 hộ dân, 110ha sản xuất của vùng hạ du.

Ðể bảo đảm an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy lợi phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh, nhất là phòng, chống lụt bão, nhiều ý kiến cho rằng thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn đập, trong đó, chú trọng nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ cho biết để có cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, tăng cường quản lý nhà nước, khắc phục các tồn tại trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có tờ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi” trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu của Đề án là hoàn thiện bộ máy tổ chức, củng cố lực lượng quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; bố trí nhân lực quản lý hồ đảm bảo đủ năng lực theo quy định.

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi và hệ thống thủy lợi; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du theo các quy định hiện hành trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay cũng được xem xét tính toán bảo đảm căn cơ phục vụ tốt yêu cầu quản lý.

Trong Đề án này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp từ việc tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế, lộ trình triển khai và đầu tư nâng cấp, sửa chữa và bảo trì đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, Sở đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 42 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng chống lũ, có nguy cơ mất an toàn theo kế hoạch; còn lại rà soát danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xây dựng lộ trình; trong đó, 2 năm (2020-2021) cải tạo, sửa chữa 8 công trình hồ chứa; năm 2022, cải tạo, sửa chữa 15 công trình; từ năm 2023 đến 2025 sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn công trình cho 19 hồ chứa còn lại…

Trong khi chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình tổ chức theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tăng cường kiểm tra, phát hiện những sự cố bất thường xảy ra để chủ động có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời; chủ động huy động các nguồn lực của địa phương, đơn vị, các nguồn lực hợp pháp khác để sửa chữa, xử lý các hư hỏng, các hạng mục bị sự cố; đồng thời xây dựng phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn cho các hồ, đập và vùng hạ du các hồ chứa nước.

Đối với nhóm công trình vừa và nhỏ, đây là nhóm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, vì vậy các địa phương cần rà soát và có kế hoạch tổng thể sửa chữa, cần bố trí ngay kinh phí của địa phương sửa chữa các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng để bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, các địa phương tăng cường quản lý, chỉ giao việc quản lý các công trình cho các đơn vị đủ năng lực; tuyệt đối không tích nước hoặc tích nước hạn chế đối với các hồ chứa đã hư hỏng xuống cấp./.

Nam Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-trien-khai-nhieu-giai-phap-bao-dam-an-toan-ho-dap-thuy-loi/648041.vnp