Hà Nội trong ngày đầu giãn cách xã hội
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố từ ngày 24/7, cuộc sống của người dân không có nhiều xáo trộn. Hầu hết người dân đồng thuận, tự giác chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Hàng hóa dồi dào, giá ổn định
Trong ngày đầu giãn cách xã hội, các tuyến đường cửa ngõ đến tuyến phố trung tâm đều thưa vắng người và xe. Trên các tuyến đường, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, giám sát. Ở trung tâm thành phố, để ngăn người đi tập thể dục, lực lượng chức năng đã chăng dây toàn bộ vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm. Tất cả các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, chỉ một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi... mở cửa phục vụ người mua. Tại thị xã Sơn Tây, 964 cơ sở kinh doanh dịch vụ đã tạm dừng hoạt động...
Các xã, phường duy trì 103 tổ, 600 nhóm Covid-19 cộng đồng với tổng số 1.817 người tham gia. Tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), tám tổ Covid-19 cộng đồng đã đến 305 hộ kinh doanh và các khu dân cư tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định về phòng, chống dịch... Phần lớn người dân đã nghiêm túc thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm, bị xử lý. Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trong ngày 24/7 lực lượng chức năng đã xử phạt bảy trường hợp đi ra ngoài đường vì lý do không cần thiết, tổng cộng 14 triệu đồng. Tại thị xã Sơn Tây, lực lượng chức năng thị xã, các xã, phường kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, phát hiện và xử phạt một cơ sở vi phạm với tổng số tiền 7,5 triệu đồng; xử phạt 26 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng tổng số tiền 50 triệu đồng. Một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Chúc Sơn viện lý do chưa biết thông tin nên vẫn mở cửa bán hàng mang về. Sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, những hộ này đã tạm dừng kinh doanh, thực hiện nghiêm quy định giãn cách.
Ngày 24/7 là ngày rằm (âm lịch), lại là ngày cuối tuần, hầu hết các gia đình tranh thủ đi mua sắm thực phẩm ăn trong nhiều ngày để hạn chế số lần phải đi chợ. Từ khoảng 5 giờ sáng, các khu chợ đầu mối, chợ dân sinh đã đông người đến mua hàng. Hàng hóa, thực phẩm và rau xanh đều dồi dào. Chị Nguyễn Bích Liên (phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy) cho biết: “Hàng hóa ở chợ Nghĩa Tân nhiều, giá vẫn như mọi khi, chỉ có bí xanh, bí đỏ,trứng gia cầm... tăng giá không đáng kể”.
Một số chợ cóc vẫn họp trong sáng sớm, nhưng được lực lượng chức năng nhắc nhở, cho nên đến khoảng 8 giờ sáng, các chợ cóc tự phát tự giải tán. Trong các siêu thị, hàng hóa dồi dào, giá ổn định hơn giá tại các chợ, sức mua tăng từ 15 đến 30% so với ngày thường. Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã triển khai phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tăng gấp ba lần so với các tháng bình thường, với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng. Hiện toàn bộ 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... hoạt động bình thường.
Các mặt hàng thiết yếu dồi dào, phong phú tại siêu thị Hapro Mart trên phố Bùi Ngọc Dương (Hai Bà Trưng).
Trong thời gian giãn cách xã hội, để bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân và công tác chống dịch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho phép ba đối tượng ưu tiên được đi lại, gồm xe chở hàng hóa trên luồng xanh quốc gia; xe chở hàng hóa thiết yếu, phục vụ đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng được phép hoạt động và xe công vụ của các cơ quan, đơn vị. Ngoài 22 chốt trực được duy trì tại các tuyến đường cửa ngõ, Sở sẽ bố trí thêm 56 chốt để kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt như chốt kiểm dịch tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 5 vào nội đô, Sở tổ chức nhiều lớp kiểm soát.
Do quyết định thực hiện giãn cách xã hội ban hành vào tối muộn 23/7, nhiều chủ phương tiện chưa nắm được, cho nên trong ngày 24/7, một số cửa ngõ Thủ đô đã bị ùn ứ. Tại chốt số 5 trên quốc lộ 1B (khu vực cầu Phù Đổng), làn đường hướng vào trung tâm Hà Nội được rào chắn, ngăn phương tiện lưu thông. Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết, kiểm soát ngay từ sáng sớm, yêu cầu các phương tiện không phải xe “luồng xanh” quay đầu trước chốt. Những người có hộ khẩu Hà Nội cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính và khai báo y tế mới được vào thành phố.
Sẵn sàng các kịch bản theo từng cấp độ dịch
Cùng với giãn cách xã hội, trong những ngày qua, thành phố chỉ đạo các cơ quan xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết ứng phó theo từng cấp độ dịch. Sở Y tế đã xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn dịch bệnh, chuẩn bị và kích hoạt ba tầng điều trị. Cụ thể, tầng 1 điều trị các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, thành phố đã kích hoạt bệnh viện dã chiến đặt tại khu cách ly tập trung của Trường Quân sự Thủ đô và khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp để thu dung điều trị các bệnh nhân nhẹ.
Tầng 2 điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền tại các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện, thị xã. Tầng 3 điều trị các bệnh nhân nặng và rất nặng, tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết: “Ngoài hệ thống y tế công lập, thành phố huy động các cơ sở y tế ngoài công lập, các bệnh viện của T.Ư, bộ, ngành và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Sở Y tế xác định, việc phân luồng bệnh nhân vô cùng quan trọng để có cách điều trị các bệnh nhân.
Thành phố quyết tâm hạ tỷ lệ số người tử vong do Covid-19 xuống thấp nhất”. Cùng với đó, thành phố triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 với chỉ tiêu từ 100 nghìn đến 200 nghìn mũi tiêm/ngày; bố trí từ 1.000 đến 1.200 dây chuyền tiêm. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2022, sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin cho khoảng 70% số dân Thủ đô.
Tại chín khu công nghiệp và 70 cụm công nghiệp ở Hà Nội, công tác bảo đảm an toàn chống dịch được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cho đến nay, đã có 3.848 doanh nghiệp trên địa bàn thành lập “Tổ an toàn Covid-19” với 10.518 tổ và 46.950 người tham gia.
Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, các “Tổ an toàn Covid-19” đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả và tiếp tục gia tăng số lượng. Nhiều tổ đã kịp thời phát hiện và yêu cầu các doanh nghiệp chưa bảo đảm công tác phòng, chống dịch khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị. Đồng thời, kịp thời nắm bắt và giải đáp những vướng mắc trong triển khai hoạt động tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khó đáp ứng các yêu cầu của phương án sản xuất an toàn “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”… Ông Phương Sơn Hà, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Từ Liêm hiện không bố trí, sắp xếp được nơi ăn, chốn ở cho người lao động ngay tại xưởng, do diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất có hạn. Tuy nhiên, các đơn vị đều đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa ra các giải pháp để có thể không phải tạm ngừng sản xuất”.
Việc thực hiện giãn cách xã hội nhằm giúp thành phố nhanh chóng kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, bảo vệ cho các cơ quan trung ương trên địa bàn và sức khỏe người dân Thủ đô, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, cần tận dụng tối đa thời gian giãn cách để khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, để thực hiện Chỉ thị số 17 của thành phố thành công, thì ý thức tự giác và trách nhiệm phòng, chống dịch của người dân là điều quan trọng nhất.
Tổ phóng viên thường trú Hà Nội
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết
18 giờ ngày 24/7, sau 12 giờ thực hiện giãn cách xã hội ở Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, từ 6 giờ sáng 24/7, giãn cách xã hội đã được triển khai nghiêm túc.